Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông: Kỳ cuối - Tập trung nguồn lực hiện thực hoá mục tiêu
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về lĩnh vực hàng hải nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.
Đó là những ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp xoay quanh định hướng chiến lược phát triển kinh tế tiến ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ.
Tuân thủ quy hoạch
Để hiện thực hoá mục tiêu chiến lược Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông thì việc đầu tiên phải tuân thủ là quy hoạch, hoàn chỉnh hệ thống theo quy hoạch được duyệt, kết nối giao thông đường thuỷ với đường bộ, đường sắt... theo hướng liên vùng, liên tỉnh và hoàn chỉnh hạ tầng logistics...
Theo ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, theo quy hoạch, hệ thống giao thông vận tải TP HCM, bao gồm đầy đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế.
Trong đó, đường bộ gồm: 3 tuyến vành đai, 5 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ và 5 tuyến đường trên cao; đường sắt gồm: 6 tuyến đường sắt quốc gia, 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến monorail, tramway; đường thủy gồm: 4 hành lang, 83 luồng đường thủy; hàng hải gồm: cảng biển TP HCM; hàng không gồm: Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt đối với các tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ có nhiệm vụ kết nối với các tuyến vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4, tạo nên một trục hướng tâm, cùng với các tuyến QL22, QL 13, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM– Chơn Thành... góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và đầu tư của các công trình, hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu chính ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực hàng hải và cảng biển, tận dụng Cảng biển TP HCM là cảng biển loại 1.
“Hiện nay, năng lực khai thác nhóm cảng biển số 4 tính đến năm 2030 sẽ đạt từ 461 đến 540 triệu tấn, năm 2050 tăng trưởng bình quân khoảng 3,5 - 3,8%/năm. Bên cạnh đó, luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu đáp ứng tàu tải trọng đến 70.000 tấn; luồng Soài Rạp đáp ứng tàu từ 50.000 - 70.000 tấn. Đặc biệt, 4 cụm cảng hàng hóa có tổng công suất quy hoạch đến năm 2030 là 43,62 triệu tấn/năm”, ông Bùi Hoà An cho biết.
Về nhiệm vụ giao thông kết nối liên vùng, đường ven sông Sài Gòn sẽ có nhiệm vụ kết nối các trục ngang liên kết với tỉnh Bình Dương qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc... tạo một hướng kết nối mới, tăng cường liên kết giữa 2 địa phương, góp phần giảm tải cho QL13, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông cho toàn vùng, sẵn sàng cho Đông Nam Bộ hiện thực hoá mục tiêu tiến ra Biển Đông.
Hoàn thiện thể chế, đầu tư nhân lực
Để hiện thực hóa mục tiêu Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông, ông Ngô Anh Tuấn – Tổng thư ký Hiệp hội Đại Lý Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (Visaba), cho rằng các địa phương cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về lĩnh vực hàng hải, nhằm đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm các hình thức xã hội hóa, góp phần thúc đẩy phát triển vận tải biển, dịch vụ hàng hải. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình quản lý cảng phù hợp; trong đó, tập trung nghiên cứu áp dụng chính sách cảng mở tại khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải; đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế.
Liên quan đến nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, GS, TS Nguyễn Ngọc Trân, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, để sẵn sàng cho lộ trình Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông thì công tác môi trường, khoa học và công nghệ là một trong những khâu đặc biệt quan trong mà các địa phương cần đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực liên quan đến quản lý và khai thác cảng. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; thực hiện các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên...
Song song đó, cũng cần nghiêm túc thực hiện đồng bộ công tác tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch; chú trọng đẩy mạnh công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm các cảng biển được đầu tư, khai thác theo đúng công năng, quy mô, lộ trình quy hoạch được duyệt, cũng như sự đồng bộ giữa cảng biển và các hạ tầng liên quan.
“Nếu tuân thủ những giải pháp trên, trong thời gian tới, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ phát triển đồng bộ, hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiện thực hoá mục tiêu Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông; xứng tầm là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, kinh tế biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong tương lai gần”, GS, TS Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh.