Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với quy định EUDR

Yến Nhung 04/10/2024 04:30

Các chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR).

Theo đó, ngày 23/6/2023, EU đã chính thức ban hành quy định EUDR, áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Quy định được áp dụng vào tháng 1/2025, nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được rằng quá trình sản xuất không gây ra mất rừng hoặc suy thoái rừng trong suốt chuỗi cung ứng.

ca-phe-16443881439692138591581-0-0-329-629-crop-1695189017863251707215 (1)
Ngày 23/6/2023, EU đã chính thức ban hành quy định EUDR, áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này - Ảnh minh họa: ITN

Theo quy định EUDR, các mặt hàng nhập khẩu chỉ được phép lưu thông tại thị trường EU nếu đáp ứng được hai điều kiện. Thứ nhất, sản phẩm nhập khẩu là hợp pháp. Hợp pháp ở đây có nghĩa các hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển… diễn ra tại quốc gia sản xuất đáp ứng được toàn bộ các quy định pháp luật của quốc gia này. Thứ hai, quá trình sản xuất sản phẩm không gây mất rừng, với mốc thời gian mất rừng tính từ sau ngày 31/12/2020.

Các chuyên gia đánh giá, việc thực hiện EUDR là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc cải thiện quy trình quản lý và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Khi thời hạn triển khai EUDR và nhiều quy định khắt khe khác của EU đã đến gần, doanh nghiệp cần hành động ngay, có kế hoạch điều chỉnh hoạt động sản xuất, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Tuy nhiên, hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định, các tiêu chí cần tuân thủ của EUDR dù các cơ quan chức năng đã tích cực phổ biến quy định này, do đó cần nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa cho doanh nghiệp, lập trang web hoặc nhóm doanh nghiệp và các đối tượng liên quan để cập nhật tài liệu về EUDR và các tiêu chuẩn xanh khác của EU.

“Cần ban hành chính sách, hướng dẫn cụ thể để tạo chỗ dựa tin cậy, thiết lập điểm hỏi - đáp để phản ứng kịp thời với những thiếu hụt thông tin của doanh nghiệp. Cùng với đó, khảo sát, đánh giá thực lực doanh nghiệp nhằm có sự hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước, hiệp hội và đối tác”, PGS TS Nguyễn Thường Lạng bày tỏ.

go (1)
Các chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với quy định EUDR - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, thông điệp của Việt Nam về việc tuân thủ quy định này không chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Ngay khi Uỷ ban Châu Âu (EC) thông qua EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo EC, và nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.

"Đã có sự hợp tác và cùng hành động của các cơ quan nhà nước ở trung ương tới địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng và bà con nông dân. Hiện nay các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng bị ảnh hưởng đã tự tin hơn và đã bắt đầu triển khai các hoạt động để thích ứng với EUDR", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Song ông Hoan cũng chia sẻ, các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng.

Để thích ứng với EUDR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, các cơ quan EC có quy trình, lộ trình cụ thể và có tài liệu hướng dẫn cho các ngành bị ảnh hưởng để chuẩn bị đáp ứng quy định có hiệu lực vào tháng 1/2025; có giải pháp giảm thiểu chi phí cho các tác nhân trong chuỗi giá trị trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa Việt Nam thành trường hợp điển hình hỗ trợ của EU và các đối tác thực hiện thích ứng với EUDR. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi EUDR.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, trong thời gian chờ EU ban hành những hướng dẫn chi tiết về EUDR, Cục Lâm nghiệp sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để chứng minh việc tuân thủ các quy định không gây mất rừng, cũng như phân loại, xác định từng khu vực rủi ro trên cả nước.

"EUDR quy định sản phẩm xuất khẩu phải có tọa độ địa lý nhưng Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật nào về vấn đề này. Đây chỉ là một trong những vấn đề mà Cục Lâm nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về lâm nghiệp, cũng như tổ chức những buổi tập huấn, nâng cao năng lực thực thi cho doanh nghiệp và chuỗi cung", ông Bảo khẳng định.

Yến Nhung