Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Điện lực: Khuyến khích đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 04/10/2024 04:10

Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần xem xét chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu…

Dự thảo lần 5 Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội mới đây đã xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

sua-luat-dien-luc-24.10.1.1.1.jpg
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần 5 đã xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam - Ảnh minh họa

Theo đó, điểm c khoản 9 Điều 5 nêu rõ, Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi. Đồng thời khoản 9 Điều 31 cũng nhấn mạnh: “Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên biển phù hợp với thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển theo từng thời kỳ”.

Không chỉ có vậy khoản 3 và khoản 4 Điều 39 làm rõ: “Đối với dự án có đấu nối lên hệ thống điện quốc gia, bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, sản lượng điện còn lại thực hiện tham gia thị trường điện theo quy định”.

Ngoài chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định hiện hành, dự án điện gió ngoài khơi được hưởng chính sách khuyến khích như sau: Miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện; Miễn, giảm tiền thuê khu vực biển tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về biển, tài nguyên môi trưởng biển và hải đảo. Đồng thời, “hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế”.

sua-luat-dien-luc-24.10.1.1.2.jpg
Góp ý nội dung này, chuyên gia cho rằng, cần xem xét chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu - Ảnh minh họa

Đặc biệt, toàn bộ Mục 2 Chương III - Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần thứ 5 cũng làm rõ nhiều vấn đề trong đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Đơn cử như việc khảo sát dự án, trong Luật quy định: “Căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án”…

Từ đó có thể thấy, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điện gió ngoài khơi với kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” mạnh mẽ trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Mặc dù đã có thấy những tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, tuy nhiên, với những tiềm năng, lợi thế lớn về nguồn năng lượng này, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), chuyên gia đề xuất, cần xem xét chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu.

Theo ông Trần Hồ Bắc - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), trong phát triển điện gió ngoài khơi, tất cả các nước trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 - thí điểm, Nhà nước sẽ bao tiêu toàn bộ thời gian dự án, xác định một mức lợi nhuận định biên, quy mô thí điểm để đánh giá tiềm năng, thiết kế phù hợp với vùng biển, đánh giá tác động đến môi trường…

Giai đoạn 2 - phát triển có điều kiện, tức có sự hỗ trợ của Nhà nước, bao tiêu trong thời gian nhất định và có hỗ trợ giá. Cụ thể như kinh nghiệm ở Vương Quốc Anh, họ áp dụng chính sách bù trừ về giá, ví như: họ đang mua bán điện trên thị trường cạnh tranh với giá 10 cent/kWh mà giá điện gió ngoài khơi 12 cent thì Nhà nước sẽ bù cho nhà phát triển 2 cent, ngược lại nếu giá thị trường 10 cent mà giá điện gió ngoài khơi 8 cent thì nhà nước thu về 2 cent.

Giai đoạn 3 - giai đoạn phát triển, tổ chức đấu thầu giá.

“Theo kinh nghiệm của các quốc gia thì bắt buộc chúng ta phải có giai đoạn thí điểm, qua đó mới có thể xây dựng cơ chế để thực hiện”, vị này chia sẻ.

Đồng thời cho rằng, về năng lượng tái tạo ngoài khơi/điện gió ngoài khơi, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn hơn nhu cầu. Do đó, cần xem xét chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu. Vì giá điện gió ngoài khơi xuất khẩu thường rất cao, đường truyền dài, giá trên 20 cent/kWh.

Bên cạnh đó, ông Trần Hồ Bắc cũng cho hay, trong vòng 10 – 15 năm tới dự báo giá điện gió ngoài khơi vẫn còn cao hơn so vớ các nguồn điện khác, trong nước khó hấp thụ được thì có thể xem xét đến việc ưu tiên sản xuất để xuất khẩu. Việc đầu tư dự án điện cho xuất khẩu, Nhà nước sẽ đạt được các mục tiêu: góp phần vào đảm bảo an ninh chủ quyền vùng biển; tạo ra công ăn việc làm; góp phần vào mục tiêu Net Zero; và Nhà nước thu về khoản tiền thuế.

Liên quan đến vấn đề đã nêu, tham gia góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ, với điện gió ngoài, Dự thảo mới nhất đã có những sửa đổi chung quan trọng về phân giao trách nhiệm các bộ, quy trình đầu tư... vì vậy, cần nhanh chóng thí điểm và nên giao cho tập đoàn có kinh nghiệm để đầu tư vào lĩnh vực này, sau khi có các dự án tiên phong, sẽ rút kinh nghiệm, bài học cho các dự án khác.

Được biết, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương với 130 Điều, kế thừa và sửa đổi 62 Điều, bổ sung 68 Điều và đề xuất bỏ 4 Điều so với luật hiện hành. Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội thông qua Dự thảo này trong một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn