Lại chật vật lo “tiêu tiền”
Đầu tư công chậm giải ngân so với kế hoạch có thể dẫn đến ảnh hưởng tăng trưởng GDP trong năm nay.
Đây là điều đã được các chuyên gia quan ngại trước những biến chuyển hệ thống với sự chậm trễ của một số tỉnh thành địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, đến cuối tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của TPHCM rất chậm, đã giải ngân là 15.802 tỷ đồng, đạt 19,9% số vốn được giao. Theo kế hoạch, Thành phố đã phân bổ vốn đầu tư công năm nay là 79.263 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 3.686 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết đến hiện tại, UBND Thành phố không có ý định điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. TPHCM sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp để giải ngân cao nhất, tức 95% trong số hơn 79.200 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực từ nay đến cuối năm để đạt kết quả cao nhất.
Bài toán “tiêu tiền” hiệu quả thực tế đã được TPHCM đánh giá là rất quan trọng ngay từ đầu năm. Trong suốt thời gian qua, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố, UBND Thành phố đã tập trung xử lý, tháo gỡ đối với từng dự án cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Những nhà lãnh đạo đứng đầu cũng đã dồn các tâm huyết, dốc sức ngày đêm, chia việc, chia nhiệm vụ sao cho việc thúc đẩy nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, thời gian của 2024 với chưa đầy 4 tháng còn lại để đạt nhiệm vụ “tiêu tiền” đang tạo áp lực rất lớn cho TP. Từ định hướng “chạy nước rút” đến kết quả làm sao giải ngân ở quý cuối năm phải có đột phá, đòi hỏi không chỉ sự đột phá ở giải ngân đầu tư công, còn phải đồng bộ trên mọi lĩnh vực.
TS Hồ Hoàng Anh, ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, song song, TPHCM cần phải tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quốc nội nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, có các chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường thế giới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, nên tận dụng thời cơ này và tranh thủ thời gian để giảm mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đối với đầu tư công, ông cho rằng TP phải nỗ lực hết sức để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
TPHCM là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế cả nước. Sự chững lại của đầu tư công trong giai đoạn phục hồi các ngành sản xuất hiện này không chỉ cho thấy TP vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn riêng và chưa thực sự đi vào quỹ đạo hồi phục một cách vững chắc; mà mở rộng hơn, nó cho thấy khó khăn của nhiều địa bàn trong mục tiêu thích ứng các biến động và “đi nhanh” hướng về đích ngắn và trung hạn.
Không khắc phục được điều này, không tháo được các điểm nghẽn ở các dự án trọng điểm để đột phá đầu tư công, TP nói riêng, cả nước cũng sẽ bị chậm lại trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lỡ nhịp thúc đẩy ở các trụ cột tăng trưởng truyền thống lẫn mở rộng các trụ cột tăng trưởng mới.