Tài chính doanh nghiệp

DLG trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Đình Đại 04/10/2024 5:02

Khả năng cổ phiếu DLG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

duc-long-gia-lai.jpg
Cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo đó, mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có văn bản lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu DLG của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. HoSE cho biết, ngày 04/04/2024, đơn vị này đã ban hành Quyết định số 161/QĐ-SGDHCM và số 162/QĐ-SGDHCM về việc chuyển cổ phiếu DLG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 11/04/2024. Lý do: Báo cáo tài chính kiểm toán của tổ chức niêm yết trong 02 năm gần nhất (2022-2023) có lợi nhuận sau thuế là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ 02 năm liên tiếp (2022-2023), thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.

Cũng theo HoSE, ngày 28/09/2024,. HoSE đã nhận được Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 của Đức Long Gia Lai. Tuy nhiên, Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 của Công ty vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Căn cứ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết trong trường hợp tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp. Do đó, HoSE lưu ý Công ty về khả năng cổ phiếu DLG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Liên quan đến ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 về nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của DLG, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, Công ty sẽ tiến hành đánh giá khả năng trả nợ theo thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn số tiền là gần 167 tỷ đồng và phải thu khác ngắn hạn số tiền là hơn 28 tỷ đồng, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo và tăng cường thu hồi các khoản công nợ trên trong năm 2024 để cung cấp hồ sơ cho đơn vị kiểm toán nhằm tháo gỡ ý kiến ngoại trừ trong Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 trong thời gian sớm nhất.

“Công ty đang quyết tâm cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi công nợ, cắt giảm chi phí nhằm mục tiêu giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức, cụ thể trong 6 tháng năm 2024 Công ty đã thực hiện trả gốc vay hơn 148,4 tỷ đồng”, DLG cho biết.

Đồng thời khẳng định, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định, khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.

cpdlg.jpg
Trên thị trường cổ phiếu DLG hiện đang giao dịch với thị giá chỉ 1.850 đồng/cổ phiếu.

Ở một diễn biến khác, mới đây DLG đã có thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu phát hành ngày 30/12/2017, trị giá 134 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm. Theo đó, ngày thanh toán gốc theo kế hoạch là 30/12/2022 nhưng đến nay doanh nghiệp này mới chỉ thanh toán được hơn 1,5 tỷ đồng cho trái chủ vào ngày 30/9 vừa qua, và còn đang nợ lại khoảng 79,4 tỷ đồng.

Lý do chậm thanh toán được doanh nghiệp đưa ra vẫn không có gì mới so với những lần “khất nợ” trước đây. Cụ thể, doanh nghiệp cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt... dẫn đến dòng tiền còn hạn chế chưa đáp ứng theo kế hoạch cho trái chủ.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với nhà đầu tư trái phiếu để gia hạn và kéo dài thời gian trả nợ gốc, lãi theo quy định của pháp luật.

Được biết, lô trái phiếu này được DLG phát hành vào cuối năm 2017 và thu về số tiền 134 tỷ đồng, lãi suất huy động khi đó 10%/năm, đáo hạn theo kế hoạch vào tháng 12/2022, đến nay đã quá hạn gần 2 năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bởi tài sản cá nhân của Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp và bà Nguyễn Thị Hương (vợ ông Pháp) cùng một số tài sản thuộc sở hữu của Công ty. Trái phiếu được lưu ký bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm 2023, DLG còn nợ trái phiếu đến hạn trả lên tới 432 tỷ đồng, trong đó 360 tỷ đồng thuộc lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm đượ phát hành từ tháng 12/2014, lãi suất kỳ tính lãi đầu tiên 10%/năm. Tài sản thế chấp được bảo lãnh bởi CTCP Trồng rừng và Cây công nghiệp Đức Long Gia Lai, Công ty TNHH Đức Long Dung Quất, CTCP Tập đoàn Alpha Seven và một số tài sản khác thuộc sở hữu của Công ty.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, DLG mang về hơn 594 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 61 tỷ đồng, tăng hơn 79,4% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời tăng hơn 35,5% so với trước soát xét.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, hoạt động kinh tế khởi sắc đã giúp cho tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu bán sản phẩm linh kiện điện tử của Nhà máy tại Trung Quốc & Hàn Quốc trực thuộc Công ty MassNoble tại Hong Kong tăng hơn 57,2 tỷ đồng, đồng thời doanh thu từ dịch vụ trạm thu phí BOT tăng 39,9 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng tăng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tương ứng 41,6 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 37,2% so với cùng kỳ, lên 153,6 tỷ đồng...

Đình Đại