Phát triển Đảng trong doanh nghiệp FDI (Bài 2): Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Đảng
Tổ chức Đảng đã trở những “hạt nhân” kết nối doanh nghiệp FDI với các cấp uỷ, chính quyền; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ, phát triển bền vững.
LTS: Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng hoạt động góp phần đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu nhiều giải pháp để tổ chức Đảng trong loại hình doanh nghiệp FDI phát triển.
Ngay sau khi Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Công ty TNHH điện tử ASTI Hà Nội (khu công nghiệp Quang Minh) đã cử những quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng và thành lập chi bộ.
Cùng hướng đến mục tiêu chung
Từ 3 đảng viên ban đầu, đến nay chi bộ có 27 đảng viên trong tổng số 1.200 công nhân viên. Ông Nguyễn Đức Nhân - Bí thư chi bộ công ty cho biết: Ban lãnh đạo doanh nghiệp tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức Đảng và công đoàn. Người lao động đều trẻ tuổi, có trình độ hiểu biết cao, có nhiệt huyết phấn đấu là nguồn để kết nạp và phát triển đảng. Hiện, đã có thêm 3 cán bộ trong công ty có quyết định kết nạp đảng.
Theo ông Nguyễn Đức Nhân, chi bộ và các đảng viên trong doanh nghiệp luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong công việc, sáng kiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các đảng viên là những “hạt nhân” tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, nội quy, quy định, quy chế của doanh nghiệp. Chi bộ lãnh đạo Ban chấp hành công đoàn chủ động đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; phát hiện, trao đổi giải quyết những vướng mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động… “Chi bộ và ban lãnh đạo công ty đã có quan hệ rất tốt, cùng phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Ngược lại, được lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, chi bộ đảng ngày càng phát triển và tạo được uy tín với Ban giám đốc và tổ chức công đoàn” - ông Nguyễn Đức Nhân chia sẻ.
Chi bộ Công ty TNHH Elentec Việt Nam mới thành lập năm 2019 nhưng đến nay có 27 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên dự bị. Đảng viên Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư chi đoàn công ty cho biết, trong doanh nghiệp có nhiều phòng ban chuyên môn, bộ phận sản xuất có những đặc thù riêng. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, ngoài việc triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các đảng viên trong chi bộ thông tin, thảo luận nhiều nội dung chuyên môn hay những vướng mắc mà anh chị em công nhân gặp phải trong công việc để cùng tìm giải pháp xử lý hoặc đại diện chi bộ phản ánh kịp thời đến các cấp lãnh đạo có phương án giải quyết. Từ các hoạt động của chi bộ và các đoàn thể, anh chị em trong doanh nghiệp gắn kết, hỗ trợ nhau trong công việc hiệu quả hơn.
Đề xuất những giải pháp
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực song số lượng chi bộ và đảng viên tại các doanh nghiệp FDI khá khiêm tốn, cho thấy công tác phát triển Đảng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm, tháo gỡ.
Ông Lê Quang Long - Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, những khó khăn chủ yếu ở những thủ tục liên quan đến kết nạp đảng và thành lập, hoạt động tổ chức Đảng chưa phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp FDI. Cụ thể, một số quy trình, thủ tục kết nạp Đảng còn rườm rà, trải qua nhiều khâu, nhất là kê khai lý lịch, thẩm tra lý lịch khiến cho việc hoàn thành hồ sơ mất nhiều thời gian, gây ra tâm lý e ngại vào Đảng của một số công nhân lao động. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi một số quy định cho phù hợp để thu hút thêm quần chúng ưu tú là công nhân lao động tham gia tổ chức Đảng. Bên cạnh đó là quy định liên quan đến đảng phí cần được điều chỉnh cho phù hợp với đảng viên đang làm việc tại doanh nghiệp FDI để thu hút và tạo điều kiện cho công nhân lao động gắn bó với tổ chức Đảng.
Liên quan đến các hoạt động của tổ chức Đảng, theo ông Lê Quang Long, quy định hiện đang khuyến khích tổ chức Đảng ký kết quy chế phối hợp với chủ doanh nghiệp nhưng thực tế ở doanh nghiệp FDI, bí thư chi bộ chủ yếu là trưởng/cán bộ phụ trách bộ phận chuyên môn hoặc lãnh đạo công đoàn khiến cho một số chi bộ gặp khó trong việc ký kết quy chế này.
Ngoài ra, cấp ủy tại doanh nghiệp FDI là kiêm nhiệm nên nghiệp vụ xây dựng Đảng còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ, quy trình, thủ tục nghiệp vụ công tác tổ chức đảng, đảng viên. Một số chủ doanh nghiệp FDI chưa quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức đảng hoạt động...
Thu hút FDI tại Hà Nội đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, công tác xây dựng Đảng vì thế càng cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, do những đặc thù riêng tại các doanh nghiệp FDI nên cần nhưng giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn để có mô hình, cách thức phù hợp với thực tế và đặc thù của doanh nghiệp FDI để việc thành lập tổ chức Đảng, kết nạp đảng viên thuận lợi hơn cũng như nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đầu của các tổ chức cơ sở đảng.