Doanh nghiệp

Thủ tướng gặp đại diện doanh nghiệp: Đẩy nhanh hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm du lịch

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Quốc Tuấn 04/10/2024 10:23

Đẩy mạnh dự án đường sắt cao tốc và đề xuất xây dựng trước các đoạn nối các trung tâm du lịch trong nước với nhau.

Phát biểu tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, ban hành hàng loạt chính sách thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển Du lịch hiệu quả, bền vững, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới).

Trong đó phương châm phát triển Du lịch Việt Nam đã được Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết 82/NQ-CP là “sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

ông Bình
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, ban hành hàng loạt chính sách thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi.

Các doanh nghiệp du lịch cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, góp phần cho Du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Năm 2024, toàn ngành Du lịch quyết tâm phục hồi toàn diện, mọi chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2019, năm tăng trưởng kỷ lục của Du lịch Việt Nam.

Thực hiện mục tiêu này, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 11,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1% so với 8 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh kết quả cao về thu hút khách quốc tế, khách nội địa cũng tăng trưởng rất nhanh. 8 tháng đầu năm 2024 đã đạt 90 triệu lượt, vượt qua kết quả 85 triệu lượt của cả năm 2019. Tuy tình hình trên thế giới có những yếu tố không ổn định, trình trạng bão lũ gây thiệt hại to lớn cho kinh tế nước ta, trong đó có ảnh hưởng đến du lịch, nhưng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu là vượt các kết quả của năm 2019.

Đáng lưu ý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chia sẻ những chuyển hướng của du lịch Việt Nam. Theo đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu, sở thích của khách du lịch đã thay đổi, xu thế của một số thị trường du lịch truyền thống cũng thay đổi, do vậy Du lịch Việt Nam đã chủ động điều chỉnh lại hoạt động của mình cho phù hợp với tình hình mới.

Cụ thể, về sản phẩm du lịch: Sau đại dịch COVID-19, một số sản phẩm được khách quan tâm hơn như du lịch văn hóa (khai thác các di sản văn hóa kết hợp với thiên nhiên); Du lịch thể thao (du lịch golf, chạy tập thể); Du lịch chăm sóc sức khỏe; Du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm, hội chợ); Du lịch mạo hiểm (leo núi, lặn biển, khám phá hang động)... và các dịch vụ phục vụ du lịch: ẩm thực Việt Nam, hàng hóa phục vụ khách,...

Bên cạnh đó là xu hướng du lịch quan tâm đến các điểm đến du lịch hấp dẫn, có các dịch vụ cao cấp, có ứng dụng công nghệ cao và nghiệp vụ cao từ quản lý đến người lao động.

Về nhân lực du lịch, ông Bình cho biết xu thế ngành du lịch đòi hỏi ngày một cao lao động du lịch có tính chuyên nghiệp, có kỹ năng, nghiệp vụ cao. Trình độ dịch vụ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh du lịch, trong nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam.

Về xúc tiến du lịch, ngành du lịch tập trung xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu sản phẩm và xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong xúc tiến du lịch, trong công tác truyền thông, trong xây dựng sản phẩm, trong quản lý và kinh doanh du lịch.

dsc_3542.jpg
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 11,4 triệu lượt khách quốc tế.

Mặt khác, do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp du lịch vẫn triển khai các phương thức truyền thống trong xúc tiến du lịch như tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế, các sự kiện du lịch quốc tế và quốc gia, các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường, sản phẩm, tăng cường liên kết trong và ngoài nước.

Nhờ phát triển các loại hình du lịch mới, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại, du lịch Việt Nam có điều kiện để phục hồi và tăng trưởng nhanh.

Đáng lưu ý, để hỗ trợ ngành du lịch thực hiện nhanh mục tiêu này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất với Thủ tướng một số vấn đề.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng kết nối các điểm đến của Việt Nam với thế giới và giữa các điểm du lịch với nhau.

Theo đó, giao thông là yếu tố hàng đầu cho sự tăng trưởng khách. Trong vận chuyển khách du lịch, Hàng không là loại hình quan trọng nhất. Hiện nay, với 5 hãng hàng không Việt Nam và hàng chục hãng hàng không quốc tế, Việt Nam đã cơ bản giải quyết được việc chuyển khách du lịch bằng đường không.

Tuy nhiên, Việt Nam là một đất nước dài và hẹp, các điểm thăm quan, các trung tâm du lịch trải dài từ Bắc đến Nam. Do vậy, bên cạnh đường không, vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt là rất phù hợp khi đưa khách nối các điểm du lịch với nhau. Hệ thống cao tốc đường bộ đang phát triển nhanh chóng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

qt2_0997.jpg
Đại biểu tham dự cuộc gặp của Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Ông Bình cho biết, ngành Du lịch rất vui mừng khi Đảng đã có chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Xây dựng đường sắt cao tốc không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách của phát triển kinh tế, xã hội cả nước mà cho ngành Du lịch một động lực phát triển, tạo điều kiện khai thác các giá trị thiên nhiên và văn hóa của tất cả các địa phương trên đường sắt.

Do đó, Hiệp hội Du lịch đề nghị Chính phủ đẩy mạnh dự án đường sắt cao tốc và đề xuất xây dựng trước các đoạn nối các trung tâm du lịch trong nước với nhau (ví dụ Tp. Hồ Chí Minh – Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Vinh,...

Xây dựng một số ga tàu trở thành một điểm dịch vụ du lịch hiện đại (ví dụ: gần các di tích lịch sử, văn hóa, là một trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm văn hóa, ...) để những nhà ga này là nơi thu hút khách và cung cấp cho khách các sản phẩm hàng hóa, văn hóa, ẩm thực độc đáo của Việt Nam.

Khuyến khích phát triển các loại hình vận chuyển khách đường sông, đường biển phục vụ du lịch.

Thứ hai, đầu tư hoặc cho phép đầu tư các điểm du lịch quan trọng có tầm cỡ quốc tế, quốc gia. Ông Bình cho biết, với quy mô tương ứng, điểm du lịch vừa là nơi giới thiệu tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, vừa là nơi cung cấp các dịch vụ du lịch, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Với xu thế đưa Việt Nam trở thành một đất nước đón khách dài ngày với chi trả cao, cần phát triển các điểm du lịch có thương hiệu quốc gia, với các sản phẩm du lịch độc đáo để tạo ra các điểm nhấn về du lịch cho cả nước.

Các điểm du lịch phải có hệ thống quản lý hiện đại. Cần chú trọng đặc biệt đến đội ngũ lao động trong điểm du lịch, những người có kiến thức, văn hóa ứng xử tốt, văn minh, lịch sự.

Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
cuộc gặp của "Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam" tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.

Thứ ba, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hiệp hội Du lịch đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp du lịch.

Trên cơ sở kết quả của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” do UNDP tài trợ, Hiệp hội Du lịch đang triển khai chương trình phát triển du lịch xanh, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ công bố danh sách một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn du lịch xanh, từ đó thu hút các doanh nghiệp du lịch cả nước tham gia.

Doanh nghiệp du lịch xanh sẽ hoạt động trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Quốc Tuấn