Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, công trình xanh là chìa khóa cho bất động sản Việt Nam phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nằm trong nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao trên thế giới.
Thực trạng phát triển công trình xanh tại Việt Nam
Song song với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra nhanh chóng với mức tăng bình quân hàng năm trên 1%. Tuy nhiên, sự bùng nổ này đặt ra những thách thức lớn về nguồn tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo số liệu thống kê đến hết quý 3/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2. Con số này không chỉ vượt xa chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ - đến năm 2025 đạt 80 công trình và đến năm 2030 đạt 150 công trình xanh, mà còn thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, loại hình công trình đạt chứng nhận công trình xanh cũng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy sự lan tỏa của xu hướng phát triển bền vững trong cả khu vực công và tư.
Tại Phiên toàn thể của sự kiện "Công trình xanh Việt Nam năm 2024" diễn ra sáng ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà chia sẻ: "Đảng, Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh.
Đồng thời, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dich vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế cũng là những khó khăn để công trình xanh phát triển tại Việt Nam.
Cần thêm giải pháp
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, để tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy phát triển công trình xanh, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh.
Thứ hai, quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Thứ ba, nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025.
Thứ tư, tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh; rà soát, sửa đổi QCVN 09:2017/BXD, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu để công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh.