Thủ tướng gặp đại diện doanh nghiệp: Chiến lược phát triển thương mại hiện đại
Doanh nghiệp mong được tham gia vào các giải pháp chiến lược về phát triển thương mại hiện đại – tăng trưởng bền vững – tạo tiền đề vững chắc khi hội nhập.
Phát biểu tại cuộc gặp của “Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện Doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan chia sẻ, với nền kinh tế và chính trị ổn định, quy mô dân số hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số vàng cùng với sự đổi mới, số hóa, công nghệ hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ.
Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD.
Là doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ quy mô với gần 4.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị Lãnh đạo WinCommerce cho rằng các chính sách, chủ trương và hành động của Chính phủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ và quan trọng cho ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung, trong đó phải kể tới những hành động hỗ trợ mang tính ảnh hưởng lớn.
Cụ thể, sự chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ nhằm tập trung đầu tư cao cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trên khắp đất nước, đặc biệt là việc hoàn thiện hạ tầng giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Với sự hỗ trợ từ hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh. Chuỗi cung ứng hiệu quả này không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định mà còn giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển lên hàng hóa, giúp mang sản phẩm chất lượng cao và chi phí hợp lý đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bà Phương cho rằng, sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ đối với vấn đề phát triển hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thiết kế nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển công nghệ và các ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ cao đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử và phát triển các hệ sinh thái tài chính, làm thay đổi hành vi người tiêu dùng theo chiều hướng tích cực và tạo ra thay đổi chung đối với cục diện của ngành bán lẻ, tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng kèm theo nhiều cơ hội lớn cho ngành bán lẻ.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách kích cầu kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19 như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế phí, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT cho ngành hàng dịch vụ tiêu dùng đã mang tới sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trên khắp cả nước.
“Các chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, Nhà nước và các Nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế xã hội đúng đắn và kịp thời này của Chính phủ đã tạo ra đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thị trường trong năm 2024. Cụ thể: tổng mức bán lẻ dịch vụ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đã đạt mức tăng trưởng 8,5%. Đây là điểm sáng trong tăng trưởng chung của cả nền kinh tế và góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam”, Tổng Giám đốc WinCommerce chia sẻ.
Tuy nhiên, song song với cơ hội phát triển, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức đáng kể. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistics...
“Những điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Tập Đoàn Masan - WinCommerce nói riêng về việc triển khai các kế hoạch hành động mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu hướng ngành để tận dụng lợi thế, tạo ra giá trị cạnh tranh”, bà Phương nhấn mạnh.
Theo bà Phương lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bằng việc duy trì tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm.
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng tốt, tuy nhiên, tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTG nhằm đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển ngành bán lẻ, đến năm 2030 là tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
“Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất mong các bộ, ban, ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung: Phát triển thương mại hiện đại – tăng trưởng bền vững – tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới”, bà Phương đề xuất.