Kinh tế thế giới

"Giải cứu" giới khởi nghiệp, Trung Quốc bơm tiền thay quỹ mạo hiểm

Nam Trần 05/10/2024 03:00

Nguồn đầu tư mạo hiểm tư nhân (VC) từ nước ngoài đang cạn kiệt khiến chính phủ Trung Quốc phải can thiệp, dù điều đó không chắc hiệu quả.

424576714.png
Dòng vốn VC từ Mỹ đã tháo chạy khỏi Trung Quốc trước nguy cơ căng thẳng và triển vọng kinh tế Trung Quốc (Ảnh: S&P Global)

Giới khởi nghiệp "cạn" vốn ngoại

Yếu tố từng giúp thúc đẩy bùng nổ giới công nghệ của Trung Quốc trước đại dịch đang bị ảnh hưởng khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc và những căng thẳng địa chính trị.

Mức tài trợ giai đoạn đầu hiện đang ở mức thấp nhất trong gần một thập kỷ, với sự sụt giảm đặc biệt mạnh từ các quỹ nước ngoài. Tính tới đầu tháng 10, các quỹ VC trong và ngoài nước đã đầu tư chỉ khoảng 6,4 tỷ USD vào Trung Quốc, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Dealogic. Các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trung bình khoảng 14 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2018 - 2022, gần như không đóng góp gì trong năm 2023 và 2024.

Nguồn tiền tư nhân đổ vào các startup Trung Quốc trước đây rất dồi dào. Những tên tuổi lớn như Sequoia Capital (Mỹ) hay Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã tài trợ cho các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực từ thương mại điện tử đến gọi xe với giá trị hàng tỷ USD.

Năm 2021, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 42 tỷ USD và thực hiện hơn 2.400 thương vụ tại Trung Quốc, theo dữ liệu của Dealogic. Nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang trở thành “kỳ lân”—các công ty tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD—làm dấy lên nhận định rằng Trung Quốc đang vượt Mỹ để trở thành trung tâm công nghệ của thế giới.

Thế nhưng, căng thẳng địa chính trị và siết chặt hoạt động của các tập đoàn tư nhân như Alibaba đã khởi động một giai đoạn nền kinh tế mất đi sự lạc quan.

“Nhiều dòng vốn đầu tư đã quay trở lại Mỹ,” David Yin, đối tác tại GSR Ventures cho biết. Yin nói rằng đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn so với một thập kỷ trước, khi các công ty như Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và Pinduoduo thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm và tương tác.

Chính quyền Trung Quốc đã đóng băng các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong nước để hỗ trợ thị trường chứng khoán đang yếu, đóng cửa một kênh truyền thống để các quỹ rút vốn đầu tư. Mặc dù thị trường đã phục hồi trong tuần qua sau một loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới, nhưng các chiến lược gia vẫn không chắc liệu đợt phục hồi này có thể kéo dài hay không.

Các công ty đã huy động được 6,8 tỷ USD từ thị trường chứng khoán trong nước thông qua các đợt IPO tính đến tháng 9, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng khoảng một phần năm số tiền huy động được của các công ty niêm yết tại Mỹ, theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Wind.

Hỗ trợ Nhà nước không mấy hiệu quả

Với vai trò đổi mới sáng tạo cực kỳ quan trọng của giới khởi nghiệp, Bắc Kinh không thể làm ngơ. Chính phủ nước này đang thông qua nhiều kênh tài trợ khác nhau để bổ sung nguồn vốn.

Vào tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở tái cấp vốn khoảng 70 tỷ USD để khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các công ty khoa học và công nghệ, với 1/5 số tiền dành cho các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ tăng trưởng.

65b75cf4a3105f211c865cbf.jpeg
Để thay các quỹ nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều nguồn lực tài chính thay thế (Ảnh: China Daily)

Các ngân hàng Trung Quốc đang định hình những nỗ lực của họ như một nhiệm vụ công. Ngân hàng Trung Quốc, một trong những ngân hàng lớn nhất nước này, cho biết trong báo cáo thường niên của mình rằng họ đã cấp hơn 200 tỷ USD hạn mức tín dụng vào năm ngoái cho khoảng 68.000 doanh nghiệp để “thúc đẩy những đột phá công nghệ lớn.” Một ngân hàng ở Tây Nam Trung Quốc cho biết họ đã hỗ trợ một công ty công nghệ nhỏ đăng ký bằng sáng chế để có được khoản vay dựa trên tài sản trí tuệ.

Để vượt qua nút thắt trong các đợt IPO, các chính quyền địa phương của Trung Quốc bao gồm cả Thượng Hải đã thành lập các quỹ thứ cấp để mua lại các nhà đầu tư ban đầu. Nhiều ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đang tăng cường cho các công ty khởi nghiệp vay vốn theo yêu cầu của Nhà nước. Điều này khác với truyền thống khi các ngân hàng Trung Quốc thường né tránh việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, do họ thường thiếu các hình thức thế chấp truyền thống cần thiết cho các khoản vay lớn.

Giờ đây, nhiều ngân hàng Trung Quốc đang chấp nhận các bằng sáng chế và thương hiệu làm tài sản thế chấp, một phương thức tài trợ bất thường cho phép họ tiếp tục cho vay. Các khoản vay dựa trên tài sản trí tuệ ở Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 40% hàng năm trong ba năm, đạt mức 117 tỷ USD vào năm 2023, theo Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc. Các khoản vay này đã tăng thêm 57% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm nay.

“Việc tài trợ từ chính phủ là nguồn vốn ổn định và thường có sẵn với số lượng lớn hơn so với những gì khu vực tư nhân có thể cung cấp hiện nay,” ông Han Shen Lin, Giám đốc quốc gia Trung Quốc tại Asia Group, một công ty tư vấn chiến lược cho biết và nhấn mạnh thách thức là các thực thể của chính phủ hiếm khi có bộ kỹ năng để xác định được các công nghệ tiềm năng.

Các quỹ của chính phủ thường có ít khả năng chấp nhận rủi ro và thường do dự trong việc hỗ trợ các công ty đột phá kiểu “moonshot” mà Trung Quốc cần để vượt qua các rào cản đổi mới, thay vào đó họ thường thích đầu tư vào các lựa chọn an toàn hơn, theo các nhà đầu tư.

Thế nhưng, sự can thiệp của chính phủ vào ngành khởi nghiệp Trung Quốc không chắc mang lại kết quả tốt. Trong một số trường hợp, hàng tỷ USD đã bị lãng phí hoặc bị rút ruột thông qua hành vi gian lận, theo các quan chức Trung Quốc. Ngoài ra, sự can thiệp mạnh tay của Nhà nước đã đe dọa làm chậm sự tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), vì các công ty khởi nghiệp AI phải tuân thủ các quy định của Nhà nước Trung Quốc.

"Lợi thế đổi mới của Trung Quốc có nguy cơ bị xói mòn nghiêm trọng khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho các công ty công nghệ cạn kiệt", Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu, cho biết trong một báo cáo gần đây.

Nam Trần