EU sẽ "xử lý" xe điện Trung Quốc như thế nào?
Liên minh châu Âu (EU) sắp bỏ phiếu quyết định mức thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc.
Đây là vấn đề đang được quan tâm tại các quốc gia thành viên EU, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu xác nhận lần cuối cùng về mức thuế bổ sung 35,3% với xe điện Trung Quốc.
Bên cạnh hồi chuông cảnh tỉnh liên quan đến an ninh quốc gia do Trung Quốc sản xuất xe điện ồ ạt, rất nhiều quan điểm có vẻ bình tĩnh hơn, kêu gọi EU cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn trước khi “gây chiến” thương mại và giảm bớt tính “dân tộc chủ nghĩa”.
Ông Roller, Cố vấn trưởng của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Tôi nghĩ rằng câu trả lời cho vấn đề dư thừa năng lực sản xuất không phải là chiến tranh thương mại, mà là các giải pháp đa phương, nơi chúng ta hợp tác và giải quyết vấn đề”.
"Luôn luôn là cách tiếp cận - hãy nói chuyện, hãy giải quyết các vấn đề và đừng leo thang, vì cuối cùng tất cả chúng ta sẽ thua. Chúng ta phải đảm bảo không rơi vào 'bẫy độc lập'. Chúng ta phải xây dựng nền tảng chung, nếu có thể, để mọi người đều có thể hưởng lợi" - ông Roller nhấn mạnh.
Một số nỗ lực để thích ứng cũng đã được thực hiện, với việc Bắc Kinh đề nghị đặt mức giá tối thiểu cho xe điện xuất khẩu sang EU để đổi lấy việc lùi thuế. Nhưng xem ra Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen còn muốn nhiều hơn thế.
Trung Quốc có thể đóng vai “bị hại” trong các vấn đề thương mại khi khiếu nại lên tổ chức thương mại thế giới (WTO), kể cả khi đối diện với gói thuế khổng lồ từ Mỹ. Trên thực tế, cường quốc châu Á có đầy đủ “công cụ” để đáp trả.
Từ tháng 6 đến tháng 9/2024, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn của EU, đẩy mạnh kiểm toán rượu mạnh của châu Âu và mở cuộc điều tra chống trợ cấp của riêng mình đối với ngành sữa của khu vực này.
Bằng cách nào đó, rất nhiều công ty châu Âu phải nhận cái kết không như ý tại Trung Quốc, doanh số bán hàng giảm, doanh thu sa sút, vướng vào tranh cãi mang tính chính trị,…
Một số khác khuyến nghị, nên liên doanh với Trung Quốc để vực dậy năng lực cạnh tranh. Ngay tại Đức, ngành công nghiệp ô tô nước này đã liên kết với đối thủ ngay tại sân nhà. Roller đề xuất: “Tôi nghĩ rằng các liên doanh tại châu Âu với các công ty Trung Quốc có thể hợp lý, nơi chúng ta hợp tác thay vì cạnh tranh với nhau”.
EU đang bị phân tán giữa một bên là an ninh kinh tế, một bên là duy trì chuỗi cung ứng gắn với Trung Quốc. Trong rất nhiều vấn đề gần đây, khối này thường hành động theo Mỹ. Liệu lần này câu chuyện xe điện sẽ được xử lý bởi cách tiếp cận hoàn toàn mới?