Kinh tế địa phương

Thái Bình: Đổi mới công tác thu hút đầu tư

Bùi Hiền 07/10/2024 1:36

Thái Bình quyết tâm đổi mới công tác thu hút đầu tư, tương xứng đúng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.

Chưa tương xứng

Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, khi nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh nên tận dụng được lợi thế về sân bay, cảng biển. Hơn thế, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh cũng đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển liên tỉnh, liên vùng, góp phần mở ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình còn có tiềm năng mạnh mẽ về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, đặc biệt, khu kinh tế Thái Bình với diện tích khoảng 30.583 ha, trong đó có hơn 8.000 ha đất dành cho phát triển công nghiệp. Tại đây, đã thành lập 10 khu công nghiệp (KCN) trong đó có 4 KCN thuộc khu kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000 ha, đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến “làm tổ”.

kcn-thai-binh.png
Thái Bình vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Mặt khác, Thái Bình cũng có lực lượng nhân lực tại chỗ dồi dào, với dân số ước tính đạt khoảng 2 triệu người, trong đó có khoảng hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động, tại đây lao động có trình độ chuyên môn cao cũng đang ngày càng tăng, đáp ứng những đòi hỏi của các nhà đầu tư.

Ông Xu Junqi - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Gốm sứ Hoa Liên (Hồ Nam, Trung Quốc) cho biết: “Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gốm sứ, Tập đoàn có thị trường rộng lớn, sản phẩm xuất khẩu đi 42 nước trên thế giới. Trong chiến lược kinh doanh thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Gốm sứ Hoa Liên sẽ tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường quốc tế, trong đó mục tiêu là đầu tư vào Việt Nam để từng bước đưa sản phẩm thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Tỉnh Thái Bình có nhiều điểm hấp dẫn, nhất là giàu tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp gốm sứ bởi nguồn nguyên liệu phong phú, lao động dồi dào và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu, Tập đoàn mong muốn được đầu tư dự án tại Thái Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 200 - 230 triệu USD, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động”.

Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung, thu hút vốn đầu tư thực tế của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thái Bình. Tính đến hết tháng 8/2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 21.600 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có hơn 105 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 11.500 tỷ đồng. 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đạt gần 290 triệu USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ tháng 12/2023 đến tháng 8/2024, thu hút vốn FDI của tỉnh đạt gần 450 triệu USD, đứng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 13 cả nước.

Dồn lực đổi mới

Tỉnh Thái Bình vẫn chưa đạt được kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, dẫn đến kết quả của công tác thu hút đầu tư chưa cao. Bên cạnh những ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đầy biến động, những bất cập và thiếu đồng bộ của một số chính sách, công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng của một số dự án gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư ở một số cơ quan, địa phương chưa được đề cao, một số thủ tục đầu tư còn rườm rà, không thuận lợi cho các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư.

kcn-lien-ha-thai.png
Thái Bình đã và đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư đến làm tổ

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Mặc dù trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng 8 tháng năm 2024 toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hơn 800 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp của toàn tỉnh lên gần 11.000 doanh nghiệp đã thể hiện sự thành công rất lớn trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh”.

“Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất vui mừng trước sự đổi mới và không ngừng phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Để đón làn sóng đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là đầu tư FDI, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Đỗ Văn Vẻ cho biết thêm.

Với quyết tâm đưa Thái Bình thực sự là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh xác định đổi mới mạnh mẽ công tác thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.

Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới mỗi cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương phải thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, nhanh chóng đổi mới phương pháp, cách tiếp cận công việc, làm việc tận tâm, tận lực, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm mục tiêu hướng tới.

"Đồng thời, các cấp, các ngành phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết công việc, rà soát lại các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, luôn đặt yếu tố công khai, minh bạch thời gian, thủ tục, trình tự và kết quả giải quyết thủ tục hành chính lên hàng đầu, nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan chủ trì trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư...", ông Nguyễn Khắc Thận cho biết thêm.

Bùi Hiền