Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần nâng cao vai trò từ địa phương
Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn, vai trò của địa phương trong việc thực hiện các chính sách từ Trung ương là rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, những năm qua với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cùng sự chủ động từ phía doanh nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Đến nay, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp không còn là vấn đề đáng ngại như những năm về trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những tín hiệu tích cực, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương. Do đó, cần có thêm các giải pháp nâng cao vai trò của địa phương trong triển khai các chính sách đồng bộ từ Trung ương, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển.
Theo ông Tuấn Anh, để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, vai trò của các địa phương là rất quan trọng, phải rất sát sao. Thực tế cho thấy, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, một số địa phương đã chủ động ban hành chính sách của riêng mình. Cụ thể, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, các địa phương phải rất sát sao. Theo tôi, để làm tốt công tác này thì trong chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng nên đâu đó có sự ràng buộc các nhà đầu tư khi mà đầu tư vào, được hưởng các chính sách ưu đãi, cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Ví dụ như có thể trong một thời gian nhất định đưa một số lượng nhất định doanh nghiệp của Việt Nam tham gia được vào cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đây là một nội dung mà tôi nghĩ là các địa phương rất nên lưu ý”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Khắc Bảo, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hải phòng chia sẻ thêm, bên cạnh khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về công nghệ, thiết bị, công tác quản trị; chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, nhân sự, lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu. Đây là những rào cản khiến doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển.
Vì vậy, ông Bảo kiến nghị, Bộ Công Thương cần hỗ trợ địa phương nghiên cứu thành lập một trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hải Phòng; đồng thời tham mưu cho thành phố một số cơ chế chính sách cho các cụm liên kết ngành và cụm công nghiệp hỗ trợ.
“Bên cạnh đó, Bộ cần có thêm một số chính sách hỗ trợ về việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực công nghiệp cho thành phố, vì hiện đang thiếu”, chuyên gia này đề nghị.
Được biết, để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đang đề xuất những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, xây dựng các cụm liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng… Đặc biệt, sẽ có ràng buộc với các doanh nghiệp nước ngoài trong phát triển tỉ lệ nội địa hóa. Bộ Công Thương cũng kiến nghị địa phương xem xét bố trí bổ sung nhân sự làm công nghiệp.