Tài chính doanh nghiệp

Doanh nghiệp xoay xở tái cấu trúc

Lê Mỹ 05/10/2024 11:30

Hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tiếp tục được đẩy mạnh với các kế hoạch, nỗ lực thanh lý tài sản để xử lý nợ, tăng vốn đầu tư.

novaland-lo-7327-ty-dong-sau-kiem-toan-1727432795.jpg
Novaland lên kế hoạch thanh lý tài sản sau khi công bố lỗ hơn 7.000 tỷ đồng sau soát xét.

Một trong những câu chuyện thu hút nhà đầu tư nhất đang diễn ra là kế hoạch thanh lý tài sản của Novaland (HoSE: NVL) sau khi công bố lỗ hơn 7.000 tỷ đồng sau soát xét.

Câu chuyện của Novaland

Trên thực tế, NVL đã và đang tái cấu trúc rất mạnh mẽ kể từ 2023 đến nay, bao gồm nhiều giải pháp trong tái cơ cấu tài chính như đàm phán lại các khoản nợ, giãn hoãn nợ, huy động mới, chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu, tìm đối tác, bán tài sản không cốt lõi,…

Các giải pháp nói trên đã giúp NVL có thêm nguồn vốn và thời gian để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của NVL, một số kết quả đạt được trong các giả định hoạt động liên tục đã được đơn vị kiểm toán độc lập ghi nhận, như đàm phán với các bên cho vay và trái chủ để tái cấu trúc các khoản nợ gốc và lãi khi đến hạn (17.336 tỷ đồng). Bên cạnh đó, NVL có tổng số tiền là 25.439 tỷ đồng, bao gồm một tài sản đã được tập đoàn này bán thành công và thu về 1.000 tỷ đồng; tập đoàn này đã ký các hợp đồng nguyên tắc cho việc bán 7 tài sản với tổng giá trị 12.363 tỷ đồng; tập đoàn đã ký các biên bản ghi nhớ bán 3 tài sản với tổng giá trị 9.100 tỷ đồng; tập đoàn đã nhận được các thư đề nghị không ràng buộc từ người mua cho việc bán 3 tài sản với tổng giá trị 1.982 tỷ đồng.

NVL cũng nhắc đến các giải pháp khác tăng nguồn vốn, hỗ trợ tài chính nhằm đảm bảo các khoản nợ đến hạn khi cần thiết trong hoạt động kinh doanh để duy trì hoạt động liên tục ít nhất trong 12 tháng tiếp theo.

Có thể nói, nghĩa vụ nợ và đảm bảo vốn lưu động đã và đang thúc ép NVL phải tiếp tục đẩy mạnh việc thanh lý tài sản. Tới đây, sau khi bán các tài sản không cốt lõi, nếu không giải quyết được bài toán tài chính căng thẳng, thì việc thanh lý các tài sản lớn bao gồm các dự án có giá trị của NVL, là tất yếu.

Ít lựa chọn cho tái cấu trúc

NVL không phải là điển hình riêng lẻ của hoạt động tái cơ cấu tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp hiện nay. Bởi ngoài doanh nghiệp này, thị trường còn nhiều “ông lớn” khác cũng khó khăn với áp lực tài chính tiếp tục gia tăng, khi dòng tiền bán hàng chưa cải thiện nhưng nợ vay, lãi đến hạn vẫn phải trả đều đặn và có khả năng tăng dồn thêm với các kỳ đáo hạn trái phiếu còn ở phía trước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lại cần phải có vốn để đảm bảo chi phí vận hành và đầu tư dự án để có dòng tiền hàng bán, tạo nguồn thu, trả nợ...

Trước NVL, Trung Nam là tập đoàn được nhắc đến về áp lực tài chính với nguồn cơn nợ vay trái phiếu và đã phải bán quyền kiểm soát dự án, nhượng vốn cổ phần tại dự án điện mặt trời sinh lời tốt nhất của mình. Hay gần đây, Bitexco cũng đã giải chấp 1 khách sạn, xử lý tài sản đảm bảo để lấy nguồn thanh toán nợ trái phiếu… là những ví dụ điển hình.

Việc các doanh nghiệp lớn phải bán các tài sản cốt lõi của mình, cho thấy tình huống “chẳng đặng đừng” mà doanh nghiệp ít có cơ hội lựa chọn ra quyết định khác. Nguyên do là trong kế hoạch tái cơ cấu và tình hình tài chính tổng thể, việc xử lý các khoản nợ vay và duy trì nguồn vốn cho hoạt động của các doanh nghiệp không hoàn toàn thuận lợi khi việc thanh lý tài sản không cốt lõi không như kỳ vọng (giá trị sụt giảm, thanh khoản giảm), nguồn thu hàng bán chưa có, huy động vốn mới không thuận lợi, những rủi ro pháp lý khác…

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, trong điều kiện tài chính khó khăn và thị trường BĐS chưa hoàn toàn phục hồi, các doanh nghiệp phải có chiến lược linh hoạt, đồng thời kết hợp các phương án khác như thương lượng với chủ nợ, tái cấu trúc nợ, hoặc tìm các nhà đầu tư chiến lược để vượt qua giai đoạn thách thức. Việc áp dụng nhiều giải pháp tái cấu trúc tài chính cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải chọn kỹ tài sản khi thanh lý sao cho vừa có thể bán được, vừa không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động lâu dài của doanh nghiệp.

Về dài hạn, các chuyên gia nhận định, BĐS là ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng với nền kinh tế. Vì vậy, dự báo giai đoạn 2025-2026, thị trường có thể xuất hiện những làn sóng đầu tư. Đó là những người có khả năng nhìn nhận và phân tích trước về thị trường, có kiến thức. Điều này mang tính tích cực, giúp thị trường trưởng thành hơn, góp phần kích thích niềm tin của người dân. Đây cũng có thể xem là điều kiện tốt cho các kỳ vọng thanh lý tài sản, tái cấu trúc của các doanh nghiệp BĐS nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.

Trở lại với trường hợp của NVL, ông Huỳnh Hoàng Phương, Chuyên gia tư vấn tài chính, cho biết trên thực tế các thông tin về doanh nghiệp đã được phản ánh đầy đủ từ trước bao gồm báo lỗ. Tuy nhiên, sẽ có tác động nhất định đến ngân hàng cho vay (ở đây là MBB, dù đã giảm dư nợ, và các ngân hàng khác) cũng như quá trình tái cấu trúc vốn của NVL. Do đó, hoạt động tái cơ cấu của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu không có giải pháp đàm phán hỗ trợ để giữ nguyên nhóm nợ từ phía ngân hàng.

Lê Mỹ