Dự thảo Luật Điện lực: Cần khơi thông nguồn vốn cho dự án năng lượng
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần có hướng dẫn rõ ràng hơn để phản ánh yêu cầu "khả năng vay vốn ngân hàng" của các nhà đầu tư quốc tế
Đây là chia sẻ của Ông Choi Wooyoung - Giám đốc Ban Công nghiệp Điện của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) với Diễn đàn Doanh nghiệp. Ông Choi cũng từng là Phó Trưởng đại diện Văn phòng đại diện KEXIM tại Hà Nội từ năm 2017 đến năm 2020.
Thưa ông, đại diện cho tổ chức tài chính quốc tế, ông có những đánh giá như thế nào về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) lần này?
Tôi nhận thấy, bất chấp những nỗ lực liên tục thu xếp tài chính quốc tế cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này vẫn còn sự chưa rõ ràng trong các quy định của Việt Nam, ngăn cản sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
Hiện nay, các nhà đầu tư dự án nhà máy điện tại Việt Nam phải đàm phán Hợp đồng mua bán điện ("HĐMBĐ") với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ("EVN") là bên mua điện, dựa trên mẫu HĐMBĐ quy định tại Thông tư 07/2024 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư thu xếp các khoản vay quốc tế cho các dự án điện quy mô lớn trên cơ sở tài chính dự án hoặc cơ sở truy đòi hạn chế, cần phải đáp ứng các yêu cầu "khả năng vay vốn ngân hàng" qua việc giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của dự án và đảm bảo dòng tiền ổn định để trả nợ. Việc này được thực hiện trên cơ sở HĐMBĐ, vì các dự án nguồn điện chỉ có nguồn thu qua HĐMBĐ, và trả nợ dựa trên nguồn thu này.
Trên thực tế, việc đàm phán các yêu cầu đó trong HĐMBĐ chưa được EVN chấp thuận, vì việc này chưa được quy định rõ ràng trong các quy định hiện hành và dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới nhất, và cũng chưa rõ về việc EVN có thẩm quyền đến phần nào để đàm phán thêm so với những điều khoản mẫu tại mẫu HĐMBĐ trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư.
Vậy theo thông lệ, có những phương án tài chính nào cho các dự án điện, và điều này có tác động như thế nào đến việc đảm bảo mục tiêu theo Quy hoạch Điện VIII, thưa ông?
Hiện có hai phương thức tài chính đối với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn bao gồm các nhà máy điện.
Một là phương pháp Tài chính doanh nghiệp, qua đó các nhà đầu tư vay vốn dựa trên hồ sơ tín dụng của họ hoặc bằng cách cung cấp Bảo lãnh doanh nghiệp để nâng cao tín dụng.
Hai là phương pháp Tài chính dự án hoặc phương pháp truy đòi có giới hạn mà theo đó các nhà đầu tư thu xếp nguồn tài chính chủ yếu dựa trên dòng tiền của dự án, và đối với loại hình tài chính này, bên đi vay cần phải chứng minh dòng tiền ổn định và được đảm bảo từ các Thỏa thuận dự án (chẳng hạn như HĐMBĐ trong dự án điện) để đảm bảo cho việc trả vốn vay.
Ví dụ như tại Việt Nam, nhiều dự án điện được phát triển bởi những doanh nghiệp Nhà nước như EVN, PVN và PVPower (Dự án Điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4 bởi PVPower đang trong quá trình xây dựng) và các dự án năng lượng tái tạo nhỏ khác của các công ty tư nhân Việt Nam đã được phát triển bằng cách thức tài chính doanh nghiệp. Trong khi đó, các dự án điện quy mô lớn được phát triển bởi các nhà đầu tưtrong nước và nước ngoài thông qua cơ chế Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) đã được tài trợ bằng cách thức tài chính dự án vì đáp ứng được các yêu cầu về khả năng vay vốn ngân hàng.
Theo Quy hoạch Điện VIII hiện hành, hầu hết các dự án điện khí mới được phân loại là các dự án sản xuất điện độc lập (dự án IPP), có nội dung HĐMBĐ được quy định bởi Thông tư 07/2024. Ngoại trừ một vài doanh nghiệp Nhà nước, có thể dự tính rằng hầu hết các công ty tư nhân (cả trong và ngoài nước) sẽ không thể thu xếp đủ nguồn tài trợ bằng tài chính doanh nghiệp vì khoản vay bắt buộc cho mỗi dự án là quá lớn để chỉ dựa vào hồ sơ tín dụng hoặc bảo lãnh doanh nghiệp của nhà đầu tư.
Xem xét điều này, việc tạo cơ sở thiết thực để giới thiệu nguồn tài chính trên cơ sở tài chính dự án trong các khuôn khổ pháp lý là một nhiệm vụ cấp bách để các dự án IPP này được triển khai, đạt được mục tiêu theo Quy hoạch Điện VIII và đáp ứng nhu cầu điện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam, ngoài ra tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác.
Để thu xếp được nguồn vốn thực hiện các dự án điện gió, điện khí có quy mô lớn ở Việt Nam thì cần có chính sách nào phù hợp, thưa ông?
Tôi cho rằng, có một số công nhận quốc tế là HĐMBĐ mẫu hiện tại theo Thông tư 07/2024 không cung cấp đầy đủ các điều kiện để áp dụng cho tài chính dự án. Vì tài chính dự án là một phương pháp để thu xếp các khoản vay nước ngoài dựa trên dòng tiền ổn định của dự án, các luồng doanh thu có thể nhìn thấy rõ trước thông qua các cơ chế như thành phần phí công suất (đã được áp dụng trong các dự án BOT trước đó) hoặc bất kỳ cơ chế tương đương nào (bao gồm cả thành phần sản lượng dài hạn) mà đủ để trang trải các khoản trả nợ vay và lợi nhuận đầu tư hợp lý là điều kiện tiên quyết để tài trợ cho dự án.
Ngoài ra việc phân bổ rủi ro hợp lý giữa các bên dự án liên quan cũng rất quan trọng để bên cho vay trên cơ sở tài chính dự án có thể tin rằng các rủi ro của việc không trả nợ được phân bổ hợp lý cho các bên có khả năng quản lý và giảm thiểu rủi ro đó tốt nhất. Cụ thể, có 3 lĩnh vực rủi ro dự án: i) rủi ro mà EVN có thể kiểm soát được (như thanh toán hóa đơn điện kịp thời); ii) rủi ro cần được quản lý bởi các nhà đầu tư (chẳng hạn như không cung cấp được điện); và cuối cùng iii) rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của cả EVN và nhà đầu tư (như các sự kiện bất khả kháng tự nhiên và chính trị).
Cho đến nay, các nhà đầu tư quốc tế đều hiểu rằng không có sản lượng cam kết dài hạn được đảm bảo cũng như cơ chế phân bổ rủi ro phù hợp trong HĐMBĐ mẫu theo Thông tư 07/2024. Thay vào đó, có vẻ rằng HĐMBĐ mẫu hiện tại chỉ yêu cầu EVN chịu trách nhiệm về các sự kiện thuộc quyền kiểm soát của họ và để các nhà đầu tư chấp nhận mọi rủi ro còn lại. Mặt khác, trong khi có một số dự án IPP đang trong quá trình triển khai và đàm phán HĐMBĐ, chúng tôi chưa thấy bất kỳ dự án IPP nào do các nhà đầu tư tư nhân phát triển mà đã hoàn thành thu xếp tài chính, có lẽ do những trở ngại trong việc đàm phán các yêu cầu về khả năng vay vốn ngân hàng trên cơ sở tài chính dự án được nêu trên.
Chúng tôi thấy rằng Thông tư 07/2024, quy định HĐMBĐ, cho phép đàm phán giữa các bên liên quan để bổ sung, sửa đổi các điều khoản của HĐMBĐ mẫu. Và cũng có những quy định pháp luật cũng cho phép các thỏa thuận khác trong bối cảnh đàm phán HĐMBĐ (ví dụ như Bộ luật Dân sự cho phép các thỏa thuận khác giữa các bên liên quan đến cơ chế bất khả kháng).
Tuy nhiên, EVN, với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước, có thể muốn yên tâm rằng có cơ sở pháp lý rõ ràng trong các quy định để cho phép EVN đàm phán các điều khoản về khả năng vay vốn ngân hàng, vì điều này chưa có trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới nhất hay chưa được cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành.
Do đó, để có thể tiếp tục đàm phán HĐMBĐ với EVN và thu xếp vốn để thực hiện các dự án điện gió, khí quy mô lớn, chúng tôi cho rằng Luật Điện lực sửa đổi cần có điều khoản đề xuất Chính phủ ban hành quy định chi tiết để tháo gỡ các vướng mắc và hướng dẫn EVN liên quan đến công tác đàm phán PPA, cụ thể khoản 8 Điều 5 (về phát triển nhiệt điện khí) và khoản 4 Điều 39 (về phát triển điện gió ngoài khơi). Các đề xuất tương tự để nâng cao khả năng vay vốn ngân hàng cũng được chia sẻ bởi nhiều nhà đầu tư tư nhân khác, cả trong và ngoài nước, và các bên cho vay nước ngoài bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (K-EXIM).
Theo đó, thông qua việc phát triển các dự án điện ở các khu vực khác (ví dụ như Trung Đông, Indonesia), chúng tôi nhận ra rằng để hướng tới một môi trường kinh doanh bền vững, cần phải có quá trình thực hiện các bước để ưu tiên cung cấp các điều kiện thu hút đầu tư, từ đó tăng dòng vốn nước ngoài cạnh tranh và đồng thời giảm chi phí tài chính, từ đó chi phí tiền điện được giảm, nâng cao lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!