Kinh tế

Triển vọng thị trường vận tải container

Đình Đại 05/10/2024 11:20

Ngành cảng Việt Nam về dài hạn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng khung phí dịch vụ bốc xếp từ Thông tư 39...

cang.jpg
Với xu hướng các hãng tàu tăng size tàu để tiết kiệm chi phí nhiên liệu và đáp ứng các quy định về khi thải thì các cảng nước sâu có triển vọng tích cực hơn - Ảnh minh họa.

Theo Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng container của Việt Nam đạt 14,3 triệu TEUs, tăng 22% so với cùng kỳ. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng thông qua nhiều như Vũng Tàu tăng 30% Hải Phòng tăng 15% và TPHCM tăng 13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước khởi sắc.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng container thông qua cảng biển tính trong 7 tháng ước đạt 16,9 triệu TEUs, tăng 22% so với cùng kỳ, tăng cả về hàng xuất nhập khẩu và hàng container nội địa.

Trong 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cụ thể, trong tháng 7/2024, xuất khẩu đạt 35,9 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt. Trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,8 tỷ USD tăng 23,3%; hàng dệt may đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4,2%. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện sau 7 tháng năm 2024 đạt 39,8 tỷ USD, tăng mạnh 30% so cùng kỳ năm trước.

Shinhan Việt Nam đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam dự báo tiếp tục khởi sắc nhờ các yếu tố: Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào mùa thu và mùa lễ; Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam đang xuất khẩu chính ở mức thấp.

Trong đó, tại thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 4%, đây là mức trung bình thấp trong những giai đoạn bình thường của nền kinh tế Mỹ. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Mỹ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với trị giá 66,4 tỷ USD, mức tăng ấn tượng hơn 25% so với cùng kỳ.

Tại châu Âu (EU), doanh số bán lẻ của khu vực này tăng vọt trong tháng 3/2024, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 9 năm 2022. Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 35,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Đánh giá về triển vọng thị trường vận tải container, Công ty Chứng khoán VCBS kỳ vọng điều kiện bình thường trong năm 2025 là khả năng khủng hoảng Biển Đỏ tiếp tục kéo dài và giá cước vận chuyển container biến động cao.

Theo VCBS, nếu khủng hoảng biển Đỏ được giải quyết và các tàu quay trở lại theo tuyến đường kênh Suez thì thị trường sẽ quay lại tình trạng dư cung như cuối năm 2023 và giá cước giảm mạnh. Tuy nhiên, khi các tàu quay lại kênh Suez thì sẽ có thể xảy ra tình trạng nghẽn cảng nghiêm trọng ở châu Âu, điều này sẽ ảnh hưởng các tuyến khác đến EU.

cang1.jpg
Nguồn: BEA, Bloomberg, VCBS tổng hợp.

VCBS cho rằng, số liệu cho thấy tồn kho của các nhà bán lẻ Mỹ đang tăng nhanh hơn dự kiến, có thể là do nhập khẩu trước để đối phó với các yếu tố như đình công cảng (của cảng bờ Đông Hoa Kỳ) và hàng rào Thuế quan mới. Nhu cầu vận chuyển container cao trong tháng 5 đến tháng 7 chủ yếu để xây dựng hàng tồn kho hơn là phản ánh sự tăng vọt trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, VCBS cho rằng, nhu cầu xuất nhập khẩu trong quý III/2024 kỳ vọng vẫn khả quan nhưng sang quý IV/2024 sẽ giảm tốc do không còn mức nền thấp và nhu cầu tăng cao đã được đáp ứng trong quý II và quý III/2024. Tình trạng nghẽn cảng cũng đã giảm bớt do các hãng tàu đã bổ sung tuyến dịch vụ. Sau 2025 tình trạng cạnh tranh tại 3 cụm cảng lớn sẽ tăng cao khi công suất tăng.

Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, ảnh hưởng bão Yagi tại cụm cảng Hải Phòng, ngoài cảng Mipec bị ảnh hưởng bởi đổ cần cẩu và cẩu thì các doanh nghiệp cảng không có thiệt hại nhiều về tài sản, thiết bị. Tuy nhiên, các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất tại các tỉnh bị bão, lũ phía Bắc sẽ cần thời gian để khắc phục lại thiệt hại và khôi phục hoạt động sản xuất bình thường trở lại. Các nước tại châu Á ảnh hưởng lớn bởi bão, lũ lụt sau bão cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như sản lượng hàng hóa vận tải container trong tháng 9.

“Ngành cảng Việt Nam về dài hạn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng khung phí dịch vụ bốc xếp từ Thông tư 39/2023 và việc gia tăng công suất, xây mới cũng như mở rộng năng lực tại các khu vực chính”, VCBS đánh giá.

Đồng thời cho rằng, từ 02/2025 việc các liên minh hãng tàu thay đổi sẽ có ảnh hưởng đến các cảng tại Việt Nam, đặc biệt với sự hiện diện của MSC – hãng tàu lớn nhất thế giới và mong muốn liên doanh đầu tư tại các cảng nước sâu của Việt Nam như ký kết với PHP (khai thác bến Lạch Huyện 3-4) và muốn đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với MSC.

Đình Đại