Phân tích - Bình luận

EU bổ sung thuế xe điện Trung Quốc, điều gì sẽ xảy ra?

Trương Khắc Trà 06/10/2024 03:30

Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua thuế quan bổ sung với xe điện Trung Quốc trong sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên chủ chốt.

20220604_eup007.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đồng ý tăng thuế với xe điện Trung Quốc (Ảnh: The economist)

Ủy ban châu Âu (EC) đã bỏ phiếu và tìm kiếm được sự đồng thuận đủ để ra quyết định tăng thêm 35,3% thuế bổ sung nhằm vào xe điện Trung Quốc, nâng tổng mức thuế mà mỗi chiếc xe nhập khẩu từ quốc gia châu Á phải chịu ít nhất 45,3%.

Trong môi trường thương mại tự do, rộng mở mà thế giới đã nỗ lực xây dựng từ sau thế chiến thứ 2 đến nay, mức thuế này được coi là rơi vào “vùng đỏ”, có thể cấu thành tiền đề cho một cuộc chiến tranh thương mại mới.

Trong số 27 thành viên EU, chỉ có 15 thành viên bỏ phiếu thuận, 10 phiếu trắng và 2 phiếu chống thuộc về nền công nghiệp xe hơi lớn nhất “lục địa già” là nước Đức; với Hungary - quốc gia được xem là có cảm tình với trục Bắc Kinh, Moscow.

Síp, một đối tác khá gần gũi của Bắc Kinh, đã chuyển từ “không” sang phiếu trắng. Ireland, mặc dù ngành sữa của họ đã bị Bộ thương mại Trung Quốc điều tra, đã chuyển từ phiếu trắng sang phiếu thuận.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã dành nhiều tuần gọi điện cho các nhà lãnh đạo châu Âu khác để cố gắng thuyết phục họ đứng về phía mình.

Phần nào đó nền công nghiệp xe hơi Đức bày tỏ ý tưởng liên doanh hợp tác với doanh nghiệp cùng ngành tại Trung Quốc. Trên thực tế, rất nhiều hãng xe Đức đang hoạt động với sự hậu thuẫn từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi hơn ai hết - chính người Đức đã hiểu rất rõ sức mạnh của đối thủ.

Sander Tordoir tại Trung tâm cải cách châu Âu bình luận: “Nếu ông Scholz thành công trong việc đảo ngược thuế quan vào giờ chót, điều đó sẽ chứng minh nỗ lực của Trung Quốc trong việc dựa vào các quốc gia thành viên riêng lẻ và là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của những nỗ lực của EU nhằm có một chính sách kinh tế đối ngoại”.

s000201903212214062108.jpg
Volvo, hãng xe hàng đầu châu Âu đã bán cho Geely Trung Quốc (Ảnh: autonews)

Nhìn nhận thực tế, ngành công nghiệp xe hơi châu Âu rơi vào suy thoái, họ không có cách nào giảm chi phí sản xuất, không tự chủ chuỗi cung ứng nguyên vật liệu quan trọng, để mất thị trường màu mỡ.

Mặt khác, châu Âu “đóng đinh” quan điểm coi Trung Quốc là mối đe dọa, chí ít trong lĩnh vực xe điện, một số quan chức EU không muốn chấp nhận đầu tư rộng rãi của Trung Quốc vào lĩnh vực này.

Một chính sách thông thoáng đối với công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô không chỉ khiến châu Âu dễ bị tổn thương trước những rủi ro có vẻ bị thổi phồng mà còn khiến khối này bất đồng quan điểm với các đồng minh G7, đặc biệt là Hoa Kỳ, nơi đang áp dụng cách tiếp cận hạn chế.

Trong khi xe điện kém sức cạnh tranh, mới đây Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã một lá thư gửi EC vào tháng này yêu cầu gia hạn thời gian loại bỏ dần động cơ đốt trong, chỉ ra việc thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng xe điện.

Các nguồn tin của EU dự đoán rằng sự trả đũa của Trung Quốc sẽ diễn ra nghiêm túc vào đầu tháng 11, khi thuế quan đối với xe điện có khả năng đã được ký thành luật và có hiệu lực. Điều này có thể bao gồm ít nhất là thuế chống bán phá giá đối với rượu cognac của Pháp. Và các quan chức đang để mắt đến các hạn chế tiềm tàng đối với nguồn cung cấp một số khoáng sản quan trọng. Nhiều chuyên gia nhận định cuộc chiến thuế quan EU - Trung Quốc có thể ngày càng quyết liệt hơn.

Trương Khắc Trà