CTP: Cổ phiếu lập “đỉnh”, lãnh đạo thoái vốn, rút lui
Sau khi cổ phiếu lập đỉnh giá với mức 42.700 đồng/cổ phiếu, cả Chủ tịch HĐQT và Giám đốc của CTP thoái sạch vốn và đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm.
Mã cổ phiếu CTP của Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public trên sàn HNX đang là tâm điểm trong giới đầu tư, khi chỉ trong một thời gian ngắn, mã cổ phiếu này đã tăng trưởng “nóng” hơn 420% chỉ trong vòng 2 tháng. Đồng thời, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này cũng thoái sạch vốn và rút lui.
Theo đó, hồi đầu tháng 8/2024, thị giá của cổ phiếu này chỉ ở mức 8.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó mã cổ phiếu này liên tục tăng điểm, đặc biệt, trong tháng 8, có đến 18 phiên tăng điểm và chỉ 04 phiên giảm điểm. Bước sang tháng 9, cổ phiếu CTP tiếp tục nối dài chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp thêm 9 phiên giao dịch nữa, qua đó, đưa thị giá cổ phiếu này lên “đỉnh” giá 42.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/09, tương ứng với mức tăng hơn 420% và trở thành cổ phiếu có mức tăng “nóng” nhất trên sàn HNX. Đến phiên giao dịch ngày 04/10, thị giá cổ phiếu này giảm còn 33.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 23% so với đỉnh giá ngày 13/09, nhưng vẫn tăng mạnh hơn 300% so với hồi đầu tháng 08/2024.
Điều khiến giới đầu tư quan tâm là ngay trong thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh, từ ngày 09 – 13/09, lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp này là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc đã bán ra toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ.
Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Thành – Chủ tịch HĐQT đã bán ra toàn bộ hơn 800.000 cổ phiếu CTP, tương đương với 6,61% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Ông Lê Minh Tuấn – Giám đốc cũng đã bán ra toàn bộ hơn 200.000 cổ phiếu CTP, tương đương với 1,66% vốn điều lệ. Ước tính sau giao dịch, ông Thành và ông Tuấn thu về lần lượt khoảng 31 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng.
gay sau khi lãnh đạo doanh nghiệp này bán xong toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ, thì thị giá cổ phiếu CTP cũng có chiều hướng giảm, thay vì tăng liên tiếp ở thời điểm trước đó. Đáng chú ý, sau khi bán xong cổ phiếu thì cả Chủ tịch HĐQT và Giám đốc, thành viên HĐQT, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của doanh nghiệp này, bao gồm cả Trưởng ban Kiểm soát và Thành viên Ban Kiểm soát đồng loại gửi đơn xin từ nhiệm trong ngày 30/09.
Đây cũng không phải lần đầu tiên, dàn lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm. Trước đó, vào hồi cuối tháng 05 vừa qua, toàn bộ HĐQT, Ban Kiểm soát gồm 8 người cũng đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra ngày 29/06, toàn bộ những thành viên này lại được bầu lại vào vị trí cũ, trong khi, đơn từ nhiệm cũng vừa mới được thông qua ngay tại ĐHĐCĐ này chỉ trước đó ít phút.
Không những vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng khá ảm đạm khi trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp này chỉ đạt vỏn vẹn 700 triệu đồng doanh thu và lỗ ròng 178 triệu đồng. Thậm chí, trong quý II/2024, CTP còn rơi vào tình cảnh “trắng” doanh thu.
Trước đó, trong giai đoạn từ 2015-2020, CTP từng đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; Lãi ròng cũng dao động trên dưới chục tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, doanh thu chỉ lẹt đẹt vài trăm triệu đồng và lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm nay. Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 cũng cho thấy, tại ngày 30/06/2024, doanh nghiệp này chỉ còn 3 nhân viên.
Cũng theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, tại ngày 30/06/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp chỉ đạt gần 153 tỷ đồng, giảm gần 21% so với cùng kỳ. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn 126 tỷ đồng, giảm gần 21% so với cùng kỳ; Giá trị hàng tồn kho hơn 33,4 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm. Lượng tiền mặt nắm giữ tại ngày này cũng chỉ gần 3,5 tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này là không có nợ vay. Doanh nghiệp chỉ ghi nhận hơn 5 tỷ đồng nợ ngắn hạn, phần lớn là nằm ở Quỹ khen thưởng và phúc lợi, hơn 4,4 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt gần 148 tỷ đồng, trong đó có hơn 22 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối đến cuối năm trước.
Việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này liên tục nộp đơn xin từ nhiệm chỉ trong vòng vài tháng, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu vừa trải qua đợt tăng trưởng “nóng”, bức tranh kinh doanh ảm đạm, cùng với việc lãnh đạo doanh nghiệp đã thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ và rút lui, đã khiến giới đầu tư cũng như dư luận đặt ra nhiều câu hỏi lớn về đợt tăng giá nóng vừa qua của cổ phiếu doanh nghiệp, cũng như sự ổn định của doanh nghiệp ngành sản xuất, kinh doanh cà phê và bất động sản trong tương lai.