Bài báo in

Cơ chế đặc thù cho ngành thép Việt Nam

Khắc Lãng ghi 06/10/2024 00: 46

EU là thị trường lớn của xuất khẩu thép Việt Nam. Tuy nhiên lại là một trong 6 ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU.

quoc thai

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam:

Vì vậy, khi bắt đầu manh nha có cơ chế CBAM, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế này thông qua Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Vụ Tiết kiệm năng lượng, Văn phòng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn của nhiều tổ chức. Qua đó, doanh nghiệp thép hiểu rõ việc mình cần phải làm ở từng giai đoạn của CBAM như từ ngày 1/10/2023 và giai đoạn từ 1/1/2026 cho đến năm 2034 thì chúng ta cần phải làm gì.

Đến nay Hiệp hội Thép Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện dự thảo lộ trình trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó làm tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành có chiến lược cũng như kế hoạch cần thiết để ứng phó kịp thời với CBAM.


Mặc dù vậy, là một ngành công nghiệp then chốt, sử dụng các công nghệ với chi phí đầu tư rất lớn, ngành thép Việt Nam muốn chuyển đổi để thích ứng với CBAM hay chuyển đổi xanh thì cần phải có những bước đi thích hợp. Do đó chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và nhất là Bộ Công Thương nhanh chóng trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời có những cơ chế đặc thù cho ngành thép Việt Nam để chuyển đổi xanh cũng như sản xuất bền vững.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần có những sự hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, về mặt công nghệ kỹ thuật cũng như vốn hỗ trợ từ các quỹ tín dụng xanh. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cũng có hướng dẫn để doanh nghiệp vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lại vừa tiếp cận được các công nghệ thích ứng với điều kiện của Việt Nam và điều kiện của doanh nghiệp. Điểm cuối cùng, cần có sự tăng cường phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ quan quản lý nhằm tạo được một chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thép xanh.

Khắc Lãng ghi