Việt Nam cần có chiến lược thúc đẩy tài chính xanh
Để thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới mục tiêu Net-Zero, Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, sớm xây dựng hệ thống Danh mục xanh với các chỉ tiêu đánh giá cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, khối ngân hàng và quỹ tài chính trong, ngoài nước tham gia vào quá trình tăng trưởng tài chính xanh.
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là lựa chọn tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.
Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.
Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia.
Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết, nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030.
Trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.
Một trong những lý do khiến việc phát triển kinh tế xanh cần một nguồn vốn lớn đó là thời hạn các dự án thường kéo dài, có thể trên dưới 20 năm, thậm chí dài hơn hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chuyển đổi xanh, phát triển xanh là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng cũng không thể cực đoan mà phải kiên nhẫn, có lộ trình phù hợp với nguồn lực kinh tế - xã hội.
TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên cao cấp ĐH Bristol, Vương quốc Anh) đánh giá Việt Nam không thiếu những cam kết tài trợ vốn về kinh tế xanh từ các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế.
Đơn cử, Ngân hàng Đầu tư châu Âu ký ghi nhớ hỗ trợ tài chính 500 triệu USD cho Việt Nam vào cuối năm 2023. Nhiều gói cam kết vài chục triệu USD cũng đã được ký.
Và chúng ta vẫn có một gói cam kết lên đến 15,5 tỷ USD của Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
“Vấn đề là những cam kết như thế này vẫn chưa thể chuyển thành tiền, và cũng không dễ dàng chuyển thành tiền”, TS Hồ Quốc Tuấn nói.
TS Hồ Quốc Tuấn cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp chia sẻ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này. Cụ thể, tiền thì đã có nhưng cơ chế để giải ngân thì chưa, vì vậy nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết phải làm sao để nguồn vốn không còn là những bản cam kết mà trở thành nguồn tiền cụ thể.
“Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không nhận được sự hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách tiếp cận từ các đơn vị có thẩm quyền để có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải”, TS Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV trà Tâm Lan, một công ty với 16 năm sản xuất trà theo mô hình tuần hoàn, cho chia sẻ doanh nghiệp rất muốn liên tục cập nhật công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất theo mô hình tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng điều này đòi hỏi phải tốn kém rất nhiều chi phí.
Tuy nhiên, muốn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ thì gặp phải rất nhiều rào cản, từ quy định về mặt pháp lý, quy trình xét duyệt của các cơ quan thẩm định.
“Cho nên, đến thời điểm này công ty vẫn chỉ sử dụng nguồn vốn tự có dù rất muốn có thêm nhiều nguồn vốn để cải thiện mô hình sản xuất của doanh nghiệp mình ngày một hiện đại hơn”, ông Nguyễn Thế Tân bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ (SX TM&DV) Bao bì Tăng Phú - Tafuco cũng cho rằng doanh nghiệp đã nghe đến rất nhiều thông tin về các gói hỗ trợ để chuyển đổi xanh nhưng vẫn rất khó để tiếp cận, nguồn vốn hiện tại chỉ là nguồn vốn do doanh nghiệp tự huy động nên hành trình phía trước vẫn còn khá nhiều gian nan.
Còn theo ông Tạ Long Hỉ, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinasun, các doanh nghiệp ngành vận tải đang hướng tới chuyển đổi xanh, nhưng càng gặp hoàn cảnh khó khăn thì lại càng khó tiếp cận nguồn vốn, rơi vào vòng xoáy lẩn quẩn “tiền đâu để phát triển, phát triển mới vay được tiền”, tương tự như câu chuyện “con gà và quả trứng”.