Kinh tế thế giới

Nhà đầu tư nước ngoài cần có kịch bản ứng phó hậu bầu cử Tổng thống Mỹ

Cẩm Anh 07/10/2024 11:10

Bà Kamala Harris và ông Donald Trump có tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về thu hút FDI. Điều này buộc các nhà đầu tư FDI tại Mỹ có kịch bản ứng phó.

trump-harris.jpg
Cả ông Trump và bà Harris đều có khả năng sẽ tiếp tục sử dụng Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) như một công cụ để điều chỉnh FDI.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào Mỹ là động lực ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và là trọng tâm chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Nhật Bản từ trước đến nay là nhà đầu tư lớn nhất từ Châu Á - Thái Bình Dương vào Mỹ, tiếp theo là Australia, Hàn Quốc và Singapore. Kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, các công ty trong khu vực đã đầu tư gần 200 tỷ USD vào Hoa Kỳ.

Phần lớn khoản đầu tư này tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp xanh, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, xe điện và pin. Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ sạch và bán dẫn tại Hoa Kỳ kể từ khi Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) được thông qua vào năm 2022.

FDI thường được chính quyền liên bang và các tiểu bang Mỹ hoan nghênh vì nguồn thuế và việc làm mà các doanh nghiệp FDI tạo ra cho người Mỹ. Tuy nhiên, trong tương lai, điều đó có thể thay đổi.

Theo Frank Ahrens, Giám đốc tại BGR Group, một công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Washington, Mỹ sẽ đi theo một trong hai hướng hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11. Điều này sẽ kéo theo những thay đổi lớn trong nhiều chính sách của Mỹ, bao gồm an ninh quốc gia, kiểm soát xuất khẩu, thuế quan, các thỏa thuận thương mại, cũng như quan hệ với các quốc gia đồng minh và đối thủ.

Ông Ahrens chỉ ra các công ty châu Á đã hưởng lợi rất nhiều từ IRA. Nhưng vẫn chưa rõ đạo luật này có còn tồn tại trong chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo không? Các công ty châu Á đã đầu tư hàng tỷ USD vào Hoa Kỳ vì muốn bảo vệ khoản đầu tư của họ.

Nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, chính quyền của bà Harris có thể sẽ tiếp tục IRA. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thắng cử, chính quyền của ông Donald Trump sẽ đảo ngược nhiều sáng kiến ​​của IRA và cắt giảm các ưu đãi tài chính.

Các điều khoản của Đạo luật IRA có thể nằm trong danh sách cắt giảm của ông Trump bao gồm thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon, và trợ cấp cho xe điện. Ngoài ra, Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể bãi bỏ một số điều khoản về khí hậu như một phần của luật thuế lớn sẽ được thông qua vào năm 2025.

img_1061.jpeg
Tập đoàn SK Inc. của Hàn Quốc đã đầu tư 350 triệu USD vào Trung tâm Y học đột phá (CBM) của Mỹ

Chương trình nghị sự của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa kêu gọi hủy bỏ lệnh bắt buộc về xe điện. Gần đây, ông Trump đã giảm bớt giọng điệu chống lại xe điện sau khi nhận được sự ủng hộ từ CEO Tesla Elon Musk, nhưng các nhà ủng hộ xe điện ở Mỹ vẫn lo ngại rằng một chính quyền Trump sẽ theo đuổi các chính sách chống lại xe điện.

Về năng lượng, các nhà đầu tư châu Á nên biết rằng các chiến dịch của bà Harris và ông Trump có tầm nhìn đối lập về tương lai năng lượng của Mỹ. Bà Harris sẽ tiếp tục các chính sách năng lượng sạch của ông Biden và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Trong chiến dịch tranh cử sơ bộ năm 2019, bà Harris cũng đã ủng hộ kế hoạch điện trung hòa carbon 100% vào năm 2030.

Chính sách năng lượng của ông Trump sẽ rất khác khi tập trung vào việc phát triển thêm nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm tiến hành các hoạt động thăm dò và khoan dầu khí, đẩy nhanh phê duyệt đường ống và các ưu đãi hỗ trợ các cơ sở than và hạt nhân sạch.

Bên cạnh đó, ông Ahrens dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục là vấn đề chính đối với chính quyền Tổng thống và Quốc hội Mỹ trong nhiệm kỳ tới. Dự kiến, cả bà Harris và ông Trump đều không dễ dãi với Bắc Kinh.

Bà Harris có thể sẽ tiếp tục các chính sách thương mại "giảm rủi ro" theo kiểu ông Biden đối với Trung Quốc bằng cách tăng cường liên kết với các đồng minh của Mỹ mà không tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, ông Trump sẽ theo đuổi các chính sách thương mại quyết liệt hơn, phù hợp với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" và ưu tiên quan hệ đối ngoại song phương thay vì đa phương.

Ví dụ, ông Trump đã đưa ra ý tưởng áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông đắc cử. Điều này sẽ có tác động gián tiếp đến các công ty ở các quốc gia là đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và với Trung Quốc.

Cả ông Trump và bà Harris đều có khả năng sẽ tiếp tục sử dụng Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) như một công cụ để điều chỉnh FDI vì những lý do chính sách khác nhau.

Đối với đảng Dân chủ, CFIUS là một công cụ để bảo vệ các công đoàn lao động Mỹ, như trường hợp Nippon Steel đã gặp phải khi cố gắng mua lại U.S. Steel. Còn ông Trump có thể tập trung siết chặt các quy định của CFIUS đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ có thể được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, chẳng hạn như việc Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Mỹ.

Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống và quốc hội Mỹ vào tháng 11 sẽ có tác động đáng kể đến các nhà đầu tư nước ngoài ở Mỹ. Do đó, các nhà đầu tư cần có kịch bản ứng phó với những rủi ro.

Cẩm Anh