Nghiên cứu - Trao đổi

Tập trung nguồn lực triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Yến Nhung 07/10/2024 11:30

Các chuyên đề xuất cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt, đồng thời tập trung nguồn lực tối đa để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất thì tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 350km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.

minhhoa20241001071325-21769595179991454546060-48826977576835519697960 (1)
Theo lộ trình dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024 - Ảnh minh họa: ITN

Tuyến sẽ bắt đầu từ Ga Ngọc Hồi, Hà Nội, qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn tuyến được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD. Quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu. Đáng chú ý, theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024, khởi công cuối năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, việc đẩy nhanh hai siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó, một thách thức đặt ra là nguồn vốn để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.

Theo ông Thân, đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

duong-sat-toc-do-cao-1728110257 (1)
Các chuyên đề xuất cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt, đồng thời tập trung nguồn lực tối đa để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, thành viên Tổ chuyên gia của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao cho biết, nguồn lực từng là câu hỏi được các đại biểu Quốc hội khóa XII đặt ra. Thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án được tính toán là 56 tỷ USD trong khi bối cảnh năm 2010-2011 nền kinh tế Việt Nam rất khó khăn. An toàn nợ công và bội chi là một trong những yếu tố chính khiến Quốc hội đi đến quyết định chưa thông qua.

Thế nhưng, sau gần 14 năm, tiềm lực của đất nước đã khác. Nhật Bản đã quyết định đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên năm 1950 khi GDP tính theo đầu người mới đạt khoảng 250 USD/người/năm. Trung Quốc đầu tư năm 2005 khi GDP đầu người đạt 1.753 USD; Uzbekistan đầu tư năm 2011, khi GDP đầu người đạt 1.926 USD...

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP. Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn.

“Có thể huy động vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn địa phương, nguồn vốn khác của Nhà nước. Chúng ta phải xác định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao có tác động lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội, tác động không chỉ là 20 địa phương có tuyến chạy qua mà còn ở các địa phương khác khi giao thông kết nối phát triển”, ông Phúc bày tỏ.

Được biết, nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai nhanh chóng dự án này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan liên quan bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời tiếp thu tối đa các ý kiến của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành để trình Hội đồng thẩm định, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án trình Quốc hội theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư đảm bảo chính xác nhất có thể; đồng thời rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho triển khai dự án, nhất là về huy động nguồn lực… với phương châm cơ chế thông thoáng, thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn.

Về nguồn lực, Thủ tướng lưu ý phải đề xuất cơ chế huy động, đa dạng hóa các nguồn lực, gồm nguồn lực đầu tư công của Trung ương, địa phương, nguồn lực từ vốn vay, phát hành trái phiếu và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là trong xây dựng, vận hành nhà ga…

Cùng với nguồn lực tài chính, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp, huy động tổng lực các nguồn nhân lực, phương tiện của đất nước phục vụ dự án.

Yến Nhung