Hà Nội: Tự hào quá khứ, vững bước tương lai
Đi qua những thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.
Vượt qua những khó khăn, thách thức trong hành trình 70 năm, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé với diện tích khoảng 152 km2 và 43 vạn dân, hiện nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần, luôn giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
“Đầu tàu” phát triển kinh tế
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm, 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 6,0%.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6 ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4 ha).
Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua. Đến nay, Hà Nội đã thu hút được trên 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD.
Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, các dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng được Hà Nội quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ đô.
Điển hình, như các dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3, Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá, như điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…
Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021- 2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội.
Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2023 với tổng kim ngạch tăng bình quân 4,57%/năm. Năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.
Hạ tầng thương mại nội địa, như Trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… cũng được Hà Nội chú trọng phát triển.
Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động…
Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Ngành du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa, 4 triệu lượt khách quốc tế). 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Thủ đô tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với lượng khách du lịch quốc tế đạt hơn 3,9 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM, 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
Thúc đẩy mô hình kinh tế mới
Nhìn lại chặng đường 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, trong 70 năm qua Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Trước đây, Hà Nội đơn thuần là trung tâm hành chính của cả nước, nhưng hiện nay với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...
“Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn của Hà Nội”, TS Lê Quốc Phương nói.
Vẫn theo TS Lê Quốc Phương, trước đây Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân.
“Hiện nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội”, TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá sau 70 năm cơ cấu kinh tế Thủ đô đã thay đổi hoàn toàn. Tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại.
“Nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô. Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng”, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Bình luận về một số mô hình kinh tế mới của Hà Nội như kinh tế ban đêm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng Hà Nội là địa phương chủ động phát triển các ngành trong kinh tế ban đêm.
Có thể thấy ngoài phố đi bộ theo mô hình truyền thống, Hà Nội đã bắt đầu phát triển ra khu vực phố ẩm thực Ngũ Xã, hồ Trần Nhân Tông và mở rộng ra các phố đi bộ khác, như Hồ Ngọc Khánh, phố đi bộ Trịnh Công Sơn... Hà Nội đã làm rất nhiều sản phẩm kinh tế đêm như Đêm Hà Nội, tour Thắp sáng Hoàng Thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò.
“Với những dịch vụ như vậy sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch và đẩy mạnh chi tiêu cho du lịch, góp phần tăng thu nhập cho du lịch Thủ đô, cũng như tăng thu nhập cho ngành thương mại - dịch vụ Hà Nội nói chung”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.