Đánh thuế sở hữu bất động sản và những băn khoăn
Trước thông tin Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế với các tổ chức cá nhân sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất, có rất nhiều ý kiến trái chiều và cả những băn khoăn.
Ngày cuối tuần, anh bạn trước là hàng xóm cũ sang nhà chơi, than thở việc cậu con lớn lấy vợ, sinh con ở trên Hà Nội, hai vợ chồng thu nhập đến hơn 50 triệu một tháng nhưng vẫn đi ở nhà thuê.
Năm ngoái, hai vợ chồng định vay rồi mua trả góp, nhưng lại chần chừ. Năm nay, giá nhà chung cư tăng vọt thêm năm bảy trăm triệu đồng, giá thuê nhà cũng tăng từ 12 lên 15 triệu/tháng. Giờ mà mua thì thiệt đơn thiệt kép.
Về hỏi vay với xin bố mẹ, nhưng bố mẹ đã về hưu, có giúp thì cũng chỉ được phần nào. Thương con mà cũng chỉ biết than thở, chứ với giá 5,2 tỷ đồng một căn chung cư hai phòng ngủ, anh chị với con phải vay nợ tầm 2 tỷ, chẳng biết đến khi nào mới trả xong nợ.
Căn chung cư con anh đang thuê là của bà chủ trên phố cổ. Bà ấy mua cả chục căn trước đây với giá 3,5 tỷ đồng rồi cho thuê. Chỉ riêng tiền lãi từ số giá tăng đã đủ giàu thêm giàu, chứ chưa nói tới tiền cho thuê hàng tháng.
Trước thông tin Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế với các tổ chức cá nhân sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất, có rất nhiều ý kiến trái chiều và cả những băn khoăn từ phía người dân.
Gần như ai cũng hiểu thuế này đưa ra nhằm hạn chế việc mua đi bán lại, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, đẩy cao giá xa với giá trị thực của giới đầu cơ và “cò” đất. Họ tung tiền ra thu mua gom vùng xung quanh các dự án sắp mở bán, đấu thầu, bỏ thầu thật cao để tạo sóng. Khi bán đẩy hết hàng chốt lời thì bỏ thầu, chịu mất cọc.
Áp dụng thuế này sẽ triệt tiêu việc cung cầu ảo, bất động sản sẽ được sử dụng đúng mục đích, không còn bị bỏ không chờ tăng giá. Điều này giảm việc một người ôm nhiều nhà đất lướt sóng, đợi giá tăng rồi bán. Bất động sản sẽ tiệm cận với giá trị thực, nơi cung cầu tiếp điểm với nhau.
Thực tế, giá bất động sản tuân theo quy luật cung cầu và điều tiết theo nhu cầu của thị trường. Với dân số trên 100 triệu người, cùng người nước ngoài tới sinh sống, làm việc, đầu tư…, giá bất động sản tăng là điều chắc chắn.
Hai đô thị trung tâm của Việt Nam là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có giá bất động sản, nhà ở, chung cư tăng mạnh liên tục và chưa có dấu hiệu chững lại. Hai đô thị tập trung tới 25 triệu dân, trong khi quỹ nhà ở chỉ có hơn 4 triệu căn nên lúc nào cũng thiếu chung cư, cứ ra đến đâu, chung cư hết đến đó. Dân các tỉnh có con em ở thành phố trung tâm dồn góp vay mượn để cố gắng sở hữu nhà ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.
Liệu đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất thì họ sẽ không ôm gom nữa, giá bất động sản sẽ giảm xuống để người có thu nhập trung bình có thể sở hữu nhà ở, hay "chữa lợn lành thành lợn què"?
Đánh thuế làm cho người sở hữu nhà đất và nhà cho thuê sẽ tăng giá bán, giá cho thuê, đẩy hết gánh nặng lên nhóm yếu thế phải chịu mua giá cao, giá nhà thuê thêm cao, trong khi thu nhập vẫn chẳng thay đổi gì.
Người sở hữu nhà đất và nhà cho thuê chắc chắn sẽ không chịu thiệt thòi. Họ sẽ bán ra, cộng thêm phần phải đóng thuế, giá cho thuê cũng sẽ cõng thêm phần này. Gánh nặng sẽ đè nặng hơn xuống vai người mua, người thuê.
Người sở hữu nhiều nhà đất khó có thể là người nghèo. Họ có thể chịu đựng được việc chờ đợi, nhưng người lao động thì không thể chờ đợi tích lũy đủ tiền mua nhà. Họ vẫn phải sống, ăn, ngủ, nghỉ… Giá thuê đẩy lên cao thì lại tái diễn cảnh chen chúc, chật chội kiểu ổ chuột.
Muốn tránh việc giới đầu cơ ôm đất, thổi giá, chiêu trò lướt sóng thì không nhất thiết phải áp thuế. Chỉ cần nâng cao mức đặt cọc sau khi chốt mua, sau 1 năm phải cam kết xây dựng, sau 5 năm mới được phép giao dịch thì chắc chắn dòng tiền sẽ chảy sang hướng khác. Chứ nếu đổ đồng áp đều thì nhà cho thuê hay xưởng sản xuất sẽ chịu thiệt thòi.
Nhà cho thuê phải bỏ chi phí xây dựng lớn, cùng chi phí bảo trì bảo dưỡng. Nếu tăng thuế, nhà đầu tư không xây dựng cho thuê nữa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Các xưởng sản xuất lo duy trì sản xuất, hạ giá thành cạnh tranh với hàng Trung Quốc đã vã mồ hôi, nay gánh thêm chi phí thuế đất thì nhiều khả năng thua lỗ.
Gia đình nào trước đây may mắn sở hữu nhiều đất đai, nay phải cắt ra phân chia cho con cháu. Nếu phải chịu thuế này thì miếng đất hương hỏa trở thành phần phải chịu thuế cho con cháu. Nhận cũng dở mà ở cũng không xong khi phải đeo thuế như một món nợ. Tài sản hợp pháp của gia đình bỗng nhiên trở thành gánh nặng. Và nếu bán tống bán tháo thì đất đai cứ dần dần rơi vào tay những tập đoàn chuyên về bất động sản, nói dân dã là rơi vào hàm “cá mập”.
Nếu muốn đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người thì phải đánh thuế ngay từ bất động sản đầu tiên. Nếu chỉ đánh vào bất động sản thứ hai trở đi, thì những người có nhiều bất động sản sẽ vòng vèo, nhờ người thân, người nhà đứng tên xoay vòng để lách luật. Làm chính sách không tính hết nước, áp thuế lại tạo thêm cơ hội cho giới đầu cơ.
Còn về chính sách dài hạn, thì chỉ có cách duy nhất là tăng mạnh nguồn cung, giảm thuế phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt về giao thông công cộng, giãn bệnh viện, trường đại học ra ven đô, kết nối bằng hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm...
Khi chỉ mất từ 15 đến 20 phút là vào đến nội đô làm việc thì chẳng ai còn muốn chen chúc, chịu cảnh tắc đường. Tự nhiên các phiên đấu giá ảo, phân lô đất sai quy hoạch sẽ tự nhiên hết.