Kinh tế

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: kinh tế - xã hội phục hồi tích cực

Nguyễn Việt 07/10/2024 16:32

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng và cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, chiều 7/10.

a sơn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Ảnh: VGP

Cụ thể, về tăng trưởng tính chung 9 tháng năm 2024 GDP tăng 6,82%. Trong đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Đối với kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

“Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%, xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Số lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43,0%. Tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện rõ nét.

“Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 116,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Về đầu tư phát triển, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết vẫn tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 6,8%.

Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%, vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% và cao nhất trong nhiều năm qua. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, trong 9 tháng có 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Về cải cách hành chính, Bộ trưởng Trần Văn Sơn khẳng định lĩnh vực này đã được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133.

Đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng luôn được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân của lao động 9 tháng đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

“Ngoài ra, phải nói đến sự tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, đã huy động gần 3,4 nghìn tỷ đồng và Chính phủ đã cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

họp báo 1
Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: VGP

Trên cở sở đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết trong nước thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: "Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024".

Trong đó, Bộ trưởng Trần Văn Sơn có nêu ra 5 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết thời gian tới đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, diễn ra sáng ngày 7/10.

Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, trong đó làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống đó là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao…

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, không điều hành "giật cục".

Thứ hai, không để thiếu điện, xăng dầu, điện, nước, vật tư y tế, hàng hóa thiết yếu, vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, phối hợp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ các Luật, Nghị quyết trình Quốc hội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, phục vụ kiến tạo phát triển.

Thứ tư, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bão số 3. Thúc đẩy gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thực hiện hiệu quả, thực chất phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.

Thứ năm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Nguyễn Việt