Kinh tế thế giới

Thương mại điện tử "cản bước" Trung Quốc chống giảm phát

Cẩm Anh 08/10/2024 11:02

Việc Pinduoduo thúc đẩy giảm giá cho thấy tình trạng các nền tảng thương mại điện tử đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.

58788855_1720143433163_pinduoduo-la-gi.jpeg
Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo của Trung Quốc thu hút người dùng nhờ giá thành rẻ

Người tiêu dùng Trung Quốc đang tăng cường sử dụng ứng dụng Pinduoduo vì mức giảm giá đáng kinh ngạc của các sản phẩm trên nền tảng này.

Là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai của đất nước, Pinduoduo là điểm đến mua sắm được lựa chọn cho những người theo đuổi xu hướng chi tiêu tiết kiệm.

Lo lắng về cuộc khủng hoảng bất động sản không có hồi kết và thị trường lao động đang chững lại, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Giá cả đang giảm kéo theo lợi nhuận giảm. Các công ty đang do dự trong việc thuê thêm nhân công hoặc đầu tư cho tương lai. Điều này càng làm gia tăng thêm mối lo ngại về nền kinh tế.

Sau một loạt các biện pháp nửa vời không thể phục hồi nền kinh tế, Bắc Kinh cuối cùng đã ra tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng hành động quyết liệt hơn, mặc dù không rõ liệu chính phủ Trung Quốc sẽ hành động đến đâu.

Vào cuối tháng trước, chính phủ đã công bố cắt giảm lãi suất và các sáng kiến ​​khác để phục hồi thị trường bất động sản, cũng như tiến hành các bước để hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy chính phủ có thể tăng cường nới lỏng tài khóa để hỗ trợ người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào được công bố.

Rhodium Group, một công ty nghiên cứu cho biết trong báo cáo gần đây rằng các nhà hoạch định chính sách đã thể hiện sự sẵn sàng hơn trong việc hành động để cải thiện nền kinh tế, nhưng áp lực giảm phát vẫn là một trong nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết.

Chỉ số điều chỉnh GDP, đo lường mức giá trung bình của tất cả mọi hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP, của Trung Quốc đã giảm 5 quý liên tiếp, tương đương mức giảm dài nhất trong 1/4 thế kỷ qua. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc có thể không tăng trưởng nhanh như con số công bố.

Chính phủ Trung Quốc đã tập trung phần lớn trọng tâm chính sách vào việc hỗ trợ sản xuất và đầu tư. Mặc dù điều này giúp các nhà máy Trung Quốc hoạt động tốt hơn, nhưng nó cũng khiến quốc gia này và các đối tác thương mại toàn cầu ngập trong hàng hóa dư thừa. Đồng thời nguồn cung dồi dào đang giúp giữ giá ở mức thấp.

china-gmv-scaled.jpg
Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đang tìm cách giữ chân khách hàng và tăng doanh số. Ảnh: Reuters

Do đó, những nền tảng như Pinduoduo xuất hiện. Do chi tiêu trực tuyến ở Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng, việc giảm giá của ứng dụng này và các nền tảng thương mại điện tử khác đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng giảm phát.

Theo HSBC, khoảng 60% người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu bán lẻ. "Pinduoduo vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân gây ra giảm phát", Giáo sư Donald Low của Đại học khoa học và công nghệ Hong Kong nhận định.

Được thành lập vào năm 2015, Pinduoduo đã phát triển nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh lâu đời hơn, và mở rộng ra nước ngoài với thương hiệu Temu. Trong quý gần đây nhất, Pinduoduo cho biết doanh thu đã tăng 86%.

Tuy nhiên, công ty này cảnh báo rằng lợi nhuận trong tương lai có thể bị ảnh hưởng vì nền tảng này đang có kế hoạch đầu tư mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp "chất lượng cao".

Theo Colin Huang, người sáng lập Pinduoduo, một trong những giá trị cốt lõi của công ty không phải là bán sản phẩm giá rẻ, mà là cung cấp những mặt hàng mà khách hàng sẽ cảm thấy rẻ hơn giá thực tế. Tuy vậy, chiến lược kinh doanh này đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người bán hàng.

Trên thực tế, các nhà kinh tế đã nghiên cứu tác động của thương mại điện tử đối với giá cả trong nhiều năm. Từ giữa những năm 2010, các nhà kinh tế đã bắt đầu nghiên cứu "Hiệu ứng Amazon", ám chỉ ảnh hưởng của các nền tảng thương mại điện tử như Amazon trong việc hạ giá tác động thế nào đến các cửa hàng thương mại truyền thống.

Hầu hết các nhà bán lẻ đều theo dõi giá của nhau và của thị trường để điều chỉnh giá bán liên tục nhằm đạt ưu thế lớn nhất, qua đó thu hút khách hàng.

Giáo sư Alberto Cavallo của Đại học kinh doanh Harvard nhận định, các nền tảng thương mại điện tử đang khiến giá cả sản phẩm nhạy cảm hơn với tình hình kinh tế. "Cú sốc của nền kinh tế đang tạo áp lực giảm giá và rủi ro giảm phát đang được đẩy nhanh vì các nền tảng thương mại điện tử", chuyên gia này chỉ ra.

Ông nói thêm rằng, Trung Quốc có thể đang trải qua điều gì đó tương tự nhưng theo hướng ngược lại. Cú sốc kinh tế từ sự suy giảm đang tạo áp lực giảm giá, và tác động này càng trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào các nền tảng thương mại điện tử.

Thành công của Pinduoduo đã thúc đẩy hai đối thủ lớn nhất của họ là Alibaba và JD.com tham gia vào cuộc cạnh tranh giá. Năm ngoái, trang mua sắm Taobao của Alibaba đã bắt đầu chiến dịch đánh giá người bán dựa trên giá của họ so với các nền tảng thương mại điện tử khác.

Những người bán có giá tốt hơn sẽ nhận được nhiều lưu lượng truy cập và tiếp cận hơn cho sản phẩm của họ. Tương tự, JD.com, nền tảng bán đồ điện tử cao cấp, cũng đã tạo ra một loạt các chiến dịch giá rẻ.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thiết lập một quy tắc mới vào tháng 5 để cấm các nền tảng trực tuyến áp đặt "các hạn chế không hợp lý" lên giá cả, quy tắc giao dịch và lưu lượng truy cập của người bán.

Tuy nhiên, những người bán hàng cho biết rất khó để rời khỏi những nền tảng mạng xã hội như Pinduoduo vì lượng khách hàng trung thành. Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc đều mong đợi mua được các sản phẩm có giá trị rẻ, phù hợp với số tiền bỏ ra.

Cẩm Anh