Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn
Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.
Trước mắt, trong giai đoạn 1, từ nay đến năm 2030, mục tiêu là tập trung thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sẽ đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 10-15%. Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Khẳng định tầm nhìn của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, nhất là cụm từ “có chọn lọc” trong chiến lược phát triển bán dẫn quốc gia, TS Nguyễn Nhật Quang, Thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA cho rằng, phát triển công nghiệp bán dẫn là chuỗi công nghệ rộng lớn, từ sản xuất những chip giá rẻ vài Cent đến những con chip có giá trị cả chục USD, nên nếu Việt Nam không chọn lọc, sản phẩm nào cũng tham gia sản xuất trong khi tài nguyên, con người có hạn, thì đó sẽ là “bước cản đối với sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”.
“Do đó, Việt Nam cần chọn những ngành có giá trị gia tăng cao nhưng phù hợp với tiềm năng và lợi thế hiện có”, Viện trưởng Viện VINASA nhấn mạnh.
Để tiến tới đạt được các mục tiêu về số lượng và chất lượng nhân lực ngành bán dẫn như trong Chiến lược đề ra, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có chiến lược, việc cần làm bây giờ là đoàn kết một lòng với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi. Trước mắt giai đoạn đầu tiên tới năm 2030 là thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và phát triển nguồn nhân lực. Như vậy, mỗi người dân ở bất cứ vị trí nào đều có thể cùng nhau góp phần vào việc thu hút đầu tư FDI, giới thiệu công ăn việc làm nhiều nhất có thể để hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực đông đảo.
“Cụ thể, Chính phủ thông qua các công cụ quản lý nhà nước, ban hành những chính sách khuyến khích để có thể tạo động lực cho các công ty tích cực tăng số lượng tuyển dụng sinh viên mới ra trường ở Việt Nam. Chúng ta cũng tranh thủ tối đa cơ hội, phát huy ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, tiếp tục khai thác các thế mạnh hiện có, kiên trì đàm phán thuyết phục hình thành các liên doanh với các tập đoàn đa quốc gia, thiết lập nhà máy ở Việt Nam với lộ trình chuyển giao công nghệ rõ ràng”, ông Nguyễn Thanh Yên chia sẻ.
Theo ông Yên, trong ngắn hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể xác định là nơi cung cấp nhân lực kỹ sư bán dẫn không chỉ cho nhu cầu trong nước mà cả khu vực và thế giới. Điều này tạo tiền đề cho sự chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, từng bước nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất chip của Việt Nam. Đây chính là cơ sở đảm bảo những điều kiện cần thiết có thể hình thành một số thương hiệu nội địa mạnh, giúp Việt Nam từng bước tự cường trong các giai đoạn tiếp theo.
Đồng quan điểm, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Điều hành Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi Việt Nam khuyến nghị, cần tập trung vào một số chiến lược quan trọng, kết hợp giữa cải thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lao động.
Theo đó, đào tạo nhân lực chuyên sâu về công nghệ bán dẫn thông qua hợp tác với các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, thu hút chuyên gia nước ngoài và gửi nhân sự đi đào tạo tại nước ngoài. Đồng thời, cung cấp ưu đãi về thuế và tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ cao, đơn giản hóa quy trình đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt với hạ tầng hiện đại và hệ thống logistics ổn định, đảm bảo chuỗi cung ứng nhanh và giá cả cạnh tranh; ứng dụng công nghệ vào quản lý hạ tầng, thành lập các quỹ nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn.
“Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường quan hệ đối tác với các công ty lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Intel, Samsung và TSMC. Việc trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ sản xuất linh kiện mà còn phát triển công nghệ sẽ là yếu tố thu hút FDI lâu dài. Việc tiếp tục duy trì và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia lớn, đặc biệt là các quốc gia có nền công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn”, chuyên gia này nhấn mạnh.