Bạn đọc

Minh bạch môi trường kinh doanh tại Phú Thọ - Bài 2: Nghi vấn "lách luật” bán tài nguyên

Nguyễn Giang 08/10/2024 15:00

Lợi dụng quá trình thực hiện cải tạo mặt bằng đất tại Phú Thọ, các đối tượng ngang nhiên vận chuyển lượng đất dư thừa vào thẳng nhà máy gạch…

Như chúng tôi đã thông tin, bạn đọc (là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ - PV) phản ánh một số ít doanh nghiệp tại xã Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ) và xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) hoạt động bất tuân pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương, khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính vô cùng bức xúc.

Cụ thể, trong khi nhiều cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đã chuyển sang công nghệ mới (lò tuynel), an toàn đối với môi trường theo chủ trương của Chính phủ thì một số ít doanh nghiệp vẫn vô tư sản xuất gạch bằng công nghệ lạc hậu (lò vòng) gây ô nhiễm môi trường, tàn phá hạ tầng giao thông…ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống dân sinh, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động suốt những năm qua.

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-2-lat-luat-ban-tai-nguyen-5(1).jpg
Bạn đọc phản ánh, một số nơi được cho là chứa nhiều khoáng sản như cao lanh cũng bị khai thác. Ảnh: Nguyễn Giang

Đáng chú ý, doanh nghiệp còn phản ánh, nguồn nguyên liệu mà các đơn vị này nhập để sản xuất cũng có nhiều “bất thường”, cần thiết phải kiểm tra, xử lý bởi những quả đồi và nhiều nơi tại các địa phương này đã và đang bị “đào bới” tràn lan.

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-2-lat-luat-ban-tai-nguyen-1(1).jpg
Một trường hợp Khu 12, xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ đang hạ mặt bằng đất. Ảnh: Nguyễn Giang

Theo phản ánh của bạn đọc, những ngày cuối tháng 9, phóng viên đã đi thực tế tại một số nơi trên địa bàn xã Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ). Theo ghi nhận, tình trạng đất được khai thác tràn lan với dấu vết đào bới (mới, cũ - PV) xuất hiện khá nhiều.

Ngày 27/9 tại xã Đào Xá xuất hiện một đoàn xe tải hàng chục chiếc nối đuôi nhau chạy dồn dập trên khắp các ngả đường khiến bụi bay mù mịt, đất đỏ phủ khắp mặt đường. Những tiếng gầm rú của một động cơ ồn ào cả một vùng. Bám theo một đoàn xe từ khu vực khai thác tại Khu 12 trên địa bàn xã Đào Xá, phóng viên khá bất ngờ khi đoàn xe này chạy thẳng nhà máy gạch của Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Đào Xá (tại Khu 8, xã Đào Xá) và “đổ hàng” tại đây.

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-2-lat-luat-ban-tai-nguyen-3(1).jpg
Những đoàn xe chở đất dư thừa từ khu 12 đến nhà máy gạch của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Đào Xá. Ảnh: Nguyễn Giang

Theo quan sát, chỉ trong vòng 30 phút đã có chừng trên 30 chuyến xe chở đầy đất nguyên liệu vào nhà máy đổ hàng.

Ngày 02/10/2024, trả lời phản ánh của phóng viên về sự việc, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) cho biết địa điểm này doanh nghiệp được phép khai thác. Theo đó, ông Quang cung cấp cho phóng viên Quyết định số 1271/UBND-TNMT của UBND huyện Thanh Thuỷ ngày 27/8/2024 về việc chấp thuận hoạt động vận chuyển đất dư thừa trong quá trình thực hiện phương án cải tạo mặt bằng đất thổ cư của hộ ông Bùi Văn Giao tại khu 9, xã Đào Xá.

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-2-lat-luat-ban-tai-nguyen-2(1).jpg
Một xe chở đất dư thừa từ khu 12 đến nhà máy gạch của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Đào Xá. Ảnh: Nguyễn Giang

Theo nội dung của Quyết định này, diện tích san gạt mặt bằng, hạ cốt nền là 724,8 m2 (bao gồm 100 m2 đất ở tại nông thôn và 624,8 m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 6, tờ bản đồ số 17-BĐĐC, địa chỉ tại khu 9, xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. (sau đính chính thành khu 12 bằng Quyết định số 4473/QĐ-UBND ngày 06/9/2024); được giới hạn bởi các điểm góc: 1, 2, 3, 4, 1 có toạ độ xác định trên sơ đồ hiện trạng khu vực san gạt, cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền do Công ty cổ phần khảo sát đo đạc Anh Thư lập, phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt.

Khối lượng đất thi công: 5.291,0 m3 (trong đó khối lượng san gạt tại chỗ 0 m3; khối lượng đất dư thừa vận chuyển đi nơi khác là 5.291,0 m3. Đơn vị vận chuyển đất dư thừa là Công ty TNHH Anh Thư Phú Thọ. Mục đích vận chuyển đất dư thừa được xác định làm đất đắp nền công trình; hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Trung Hà (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và đầu tư xây dựng hội trường khu 5 (xã Bảo Yên, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ).

Đáng chú ý, khi phóng viên thắc mắc hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Đào Xá, mục đích vận chuyển đất dư thừa đã được xác định không dùng làm nguyên liệu cho nhà máy gạch, vậy tại sao Công ty TNHH Anh Thư Phú Thọ lại vận chuyển đến đó? Ông Quang cho rằng, đây là trách nhiệm của đơn vị giám sát. “Chúng tôi không thể quản lý họ sẽ chuyển đi những đâu khi ra ngoài địa bàn, trách nhiệm giám sát là của đơn vị khác”, ông Quang nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Công văn số 3179/UBND-NNTN về việc chấn chỉnh các hoạt động san hạ cốt nền, vận chuyển đất dư thừa trên địa bàn tỉnh.

Theo Công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND huyện, thành, thị thường xuyên kiểm tra, giám sát các trường hợp được chấp thuận cải tạo mặt bằng, san hạ cốt nền có vận chuyển đất dư thừa để đắp nền công trình thuộc địa bàn quản lý. Tạm dừng, thu hồi văn bản chấp thuận đối với các trường hợp thi công không đảm bảo an toàn lao động, ảnh hưởng an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng hoạt động cải tạo mặt bằng, san hạ cốt nền để khai thác trái phép khoáng sản.

Đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành, thị chỉ chấp thuận cải tạo mặt bằng, san hạ cốt nền có vận chuyển đất dư thừa theo đúng quy định tại Quyết định số 3120/QĐ- UBND ngày 30/11/2020 đối với các trường hợp cần thiết (làm nhà ở; cải tạo đối với các khu vực đất sản xuất nông nghiệp cao, dốc; thực hiện dự án được phê duyệt; các trường hợp cần đất để đắp nền công trình cho các công trình, dự án quan trọng...).

Trường hợp cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền trên đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất...) phải thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quy chế quản lý hoạt động cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền có vận chuyển đất dư thừa để đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3120/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND tỉnh. Mặt bằng sau khi hạ cốt, san nền phải đảm bảo đúng theo phương án được phê duyệt (phải có mặt bằng để thực hiện phương án chuyển đổi cây trồng, thực hiện dự án đã phê duyệt).

minh-bach-moi-truong-kinh-doanh-tai-phu-tho-bai-2-lat-luat-ban-tai-nguyen-4(1).jpg
Ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Nguyễn Giang

Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thi công san gạt, hạ cốt nền phát hiện có khoáng sản, phải tạm dừng hoạt động san gạt, hạ cốt nền; báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

“Nếu để xảy ra các trường hợp lợi dụng cải tạo đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép; để xảy ra mất an toàn lao động trong quá trình thi công san gạt, hạ cốt nền thuộc địa bàn quản lý thì Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, Văn bản nêu.

Trở lại sự việc khi những đoàn xe tải của Công ty TNHH Anh Thư Phú Thọ ngang nhiên sử dụng đất dư thừa sai mục đích, dư luận không khỏi hoài nghi về việc nguồn nguyên liệu mà các nhà máy gạch vẫn sử dụng từ trước tới nay? Có hay không việc “lách luật” để bán tài nguyên?

Còn nữa…

Nguyễn Giang