Ngành cấp nước TP HCM: Những hạn chế và vấn đề cần giải quyết
Theo đánh giá của Công ty Mercer, mức độ cung cấp nước sinh hoạt đạt 8/10 điểm, nhưng đến nay TP HCM vẫn chưa cung cấp được nước uống trực tiếp tại vòi.
Trong 150 năm qua, ngành cấp nước TP HCM đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể, từ việc cung cấp nước sạch cho người dân đến cải thiện chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như ô nhiễm nguồn nước và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đủ khả năng cung cấp chất lượng nước uống đáp ứng được tiêu chuẩn uống nước tại vòi như các nước tiên tiến.
Nhiều thách thức lớn
Quy hoạch TP HCM phân thành 8 vùng cấp nước theo nguồn cung, chứ không theo nguồn cầu. Do đó, có vùng mấy chục ngàn ha nhưng có vùng chỉ vài trăm ha. Tương lai phát triển của các nguồn cung vài trăm ha này so với hệ thống cung vài chục ngàn ha như thế nào?
Quy hoạch diện tích được cung cấp nước nhưng không nói dân số và cũng không đề cập đến số lượng dân số và nhu cầu như thế nào cho hiện nay và tương lai trong vùng.
Phân vùng có thể hiểu là phục vụ các nhà máy nước của SAWACO các nhà máy/trạm nhỏ (Bình Hưng, Gò Vấp, Bình Trị Đông) bao phủ bởi vùng phục vụ của các nhà máy lớn Thủ Đức, Tân Hiệp… Trong tương lai các trạm này đóng vai trò là nguồn dự phòng.
Theo bản đồ quy hoạch, TP HCM trải dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam, do đó địa hình, địa mạo, địa chất thuỷ văn khác nhau. Phía Tây Bắc có nhiều nước ngầm, còn phía Đông Nam là đầm lầy và xâm nhập mặn, như vậy giải pháp cho nhu cầu nước sinh hoạt khác nhau như thế nào về hiện tại và tương lai?
Các đơn vị cấp nước đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng nguồn nước sạch, giảm khai thác nước dưới đất. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số khách hàng chưa dừng hẳn việc khai thác và sử dụng nước dưới đất, gây lãng phí đầu tư hệ thống cấp nước, giảm mực nước dưới đất;
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nước và nguồn nước. Công nghệ xử lý nước thô tiềm ẩn rủi ro không đáp ứng yêu cầu do nguồn nước ô nhiễm và nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Vấn đề an ninh nguồn nước cho TP HCM thể hiện ở tốc độ sụt lún rất đáng quan ngại, theo ước tính xấp xỉ khoảng 4 cm/năm, gấp 10 lần so với tốc độ dâng mực nước biển. Nguyên nhân do mức khai thác nước ngầm quá lớn so với khả năng bổ cập từ nước mưa và sụt lún do nền địa chất. Điều này, có thể dẫn đến sự sụt giảm nguồn nước ngầm cũng như nguy cơ nhiễm mặn nguồn nước ngầm.
Hay nói cách khác, vấn đề an ninh nguồn nước chưa có đủ nguồn nước dự phòng, và công trình chứa nước thô dự phòng khi nguồn nước mặt bị sự cố. Nguồn nước ngầm cần được bảo vệ, tránh khai thác quá mức và giữ vai trò là nguồn dự phòng chiến lược.
Sự biến động trong chế độ mưa và tình trạng hạn hán trên toàn khu vực do biến đổi khí hậu, trong đó có cả lưu vực sông cung cấp nước cho TPHCM dẫn đến sự biến động nguồn nước cấp, gây ra tính không ổn định cho hệ thống cấp nước.
Hệ thống giám sát, quản lý rủi ro về chất lượng nước đã được xây dựng, các giải pháp và quy trình ứng phó với sự cố cũng đã được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện và đồng bộ.
Mạng lưới cấp nước không đồng đều áp lực lớn vào đầu nguồn và thấp vào cuối nguồn, không có hệ thống kiểm soát chất lượng trên mạng lưới đường ống. Mạng lưới đường ống phù hợp với định hướng của các quy hoạch đã phê duyệt nhưng nhiều dự án bị chậm trễ. Giám sát, quản lý rủi ro về chất lượng nước là vấn đề then chốt trong quản lý và cung cấp nước sạch, còn cấp thiết và quan trọng hơn là tăng công suất cấp nước đáp ứng nhu cầu.
Hay nói cách khác, vùng phục vụ cấp nước có phạm vi rộng, có các điểm cách xa các nhà máy nước. Mạng lưới cấp nước cấu trúc dạng vòng, chưa có bể chứa trung gian và các trạm tăng áp, nên còn các bất cập: khả năng dự trữ nước sạch còn hạn chế, áp lực nước không đồng đều, thời gian lưu nước trong đường ống cao, chất lượng nước khu vực cuối nguồn suy giảm (hàm lượng chất khử trùng chlorine).
Ngoài ra, chưa có chính sách thu hút đầu tư phù hợp, thủ tục đầu tư phức tạp kéo dài, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống còn hạn chế.
Kinh nghiệm từ Thái Lan
Việc cấp nước cho TP HCM có hai vấn đề chính là ô nhiễm nguồn nước thô từ thượng nguồn do nước thải công nghiệp và nhiễm mặn từ hạ nguồn do biến đổi khí hậu, trong khi phải giảm công suất khai thác nước ngầm do có những tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế xã hội.
Trước đây, từng có ý kiến thi công một đường ống để lấy nước thô từ hồ Dầu Tiếng về tới TP HCM. Kinh nghiệm của thành phố Bangkok đã làm việc tương tự từ lâu. Họ xây một con kênh dài 31 km từ thượng nguồn sông Chao Phraya (quá ô nhiễm đoạn gần Bangkok) về đến trung tâm thành phố.
Người Thái bảo vệ rất tốt con kênh này, cho dù nó chảy qua những khu đô thị đông đúc nhưng không hề bị ô nhiễm bởi nước thải và rác thải. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc đảm bảo giữ cho con kênh không bị ô nhiễm như Thái Lan là rất khó, do đó, việc xây dựng một đường ống kín đề dẫn nước sẽ thích hợp hơn.
Các chuyên gia có thể xem xét lại ý tưởng nêu trên về các mặt công nghệ, tài chính, tỷ lệ lợi ích và chi phí. Việt Nam đã có kinh nghiệm dùng robot để khoan đường ống nước thải nên có thể tự lực khoan đường ống cấp nước thô. Vấn đề khá cấp thiết bởi vì hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai ngày càng ô nhiễm, khó tiếp tục khai thác nguồn nước thô được nữa, hoặc chi phí xử lý sẽ rất tốn kém để cho ra nước uống mà vẫn có thể không đạt tiêu chuẩn về tất cả các loại hóa chất độc hại do nước thải công nghiệp xả ra.
Tuy nhiên, việc lấy nước ở hồ Dầu Tiếng có phần lưu vực ở Campuchia, cần nghĩ đến việc ô nhiễm xuyên biên giới cho nên phải so sánh với việc lấy nước ở hồ Trị An. Về khoảng cách cả 2 nguồn nước nói trên đều gần TP HCM, nhưng về đầu nước có thể từ hồ Trị An có lợi hơn vì cao trình mực nước đến 60m, trong khi cao trình mực nước tại hồ Dầu Tiếng chỉ đạt 24,4m. Đáp án cho vấn đề trên là kết quả của bài toán quy hoạch nguồn nước.
Gần nửa thế kỷ đã qua đi, Thành phố mang tên Bác đang chuyển mình mạnh mẽ. Với truyền thống cách mạng hào hùng, với tố chất hào sảng mạnh mẽ của người dân phương Nam, cùng với bản lĩnh và tầm nhìn của lãnh đạo, hy vọng TP HCM sẽ phát triển xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước và là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.