Sớm hoàn thiện cơ chế APA thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về APA, góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết của Deloitte Việt Nam, việc thực hiện thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là xu thế chung mà cơ quan thuế tại nhiều quốc gia đang áp dụng để tăng cường quản lý thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới. Trong bối cảnh cải cách luật thuế hiện nay, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về APA, góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
-Khung pháp lý và tình hình triển khai, áp dụng cơ chế APA tại Việt Nam thời điểm hiện tại còn bất cập gì, thưa bà?
APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế cùng hợp tác, trao đổi, đàm phán về việc áp dụng các quy định về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA theo quy định về thuế và giao dịch liên kết.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/6/2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 (“Nghị định 126”) và Thông tư số 45/2021/TT-BTC ban hành ngày 18/06/2021 (“Thông tư 45”) thay thế Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 (“Thông tư 201”) hướng dẫn áp dụng APA là các cơ chế hiện hành để xác lập hồ sơ APA, hỗ trợ hoạch định chiến lược thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, đã hơn mười năm kể từ khi Thông tư 201 – văn bản hướng dẫn đầu tiên về việc áp dụng APA ban hành, các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực thi cơ chế APA. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại chưa có hồ sơ đề nghị áp dụng cơ chế APA nào được phê duyệt và ký kết chính thức. Hầu hết các hồ sơ APA đều dừng lại ở bước thẩm định, trao đổi và đàm phán nội dung.
-Cụ thể một số khó khăn rào cản khi áp dụng cơ chế APA tại Việt Nam như thế nào?
Qua quan sát của chúng tôi, một số bất cập trong tiến trình giải quyết hồ sơ như sau, thứ nhất, theo Thông tư 45, giai đoạn áp dụng APA trong 03 năm là tương đối ngắn so với một số quốc gia thuộc châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản (05 năm), Trung Quốc (tối đa 05 năm); và một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia (tối đa 05 năm).
Thứ hai, Thông tư 45 không quy định thời hạn cụ thể giải quyết theo từng giai đoạn của tiến trình đề nghị áp dụng APA. Theo Luật quản lý thuế và Nghị định 126, APA cần được xác lập trước thời hạn nộp quyết toán thuế. Tuy nhiên do không có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết hồ sơ, trên thực tế tiến độ thẩm định, trao đổi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế thường kéo dài, đình trệ dẫn đến tình trạng hồ sơ bị kéo dài và chưa có APA nào được ký kết. Trong khi tại các quốc gia trong khu vực như Singapore, riêng trong năm 2023 đã có 23 hồ sơ APA được ký kết.
Thứ ba, hiện tại chưa có quy định về việc thực hiện hồi tố APA, cho phép áp dụng những điều khoản trong phạm vi APA đối với những giao dịch đã được thực hiện vào các năm trước khi ký kết APA. Thực tế, đối với một số trường hợp đề nghị áp dụng APA song phương, các cơ quan thuế nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho phép áp dụng giai đoạn hồi tố trong đề nghị áp dụng APA. Vì vậy, sẽ có sự khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và các nước, khiến các bộ hồ sơ APA song phương có thể gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khi đàm phán.
Thứ tư, quy định về cơ sở dữ liệu thương mại khi áp dụng APA có điều khoản thắt chặt hơn so với quy định chung về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Cụ thể, Khoản 6, Điều 42, Luật quản lý thuế quy định “việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý”. Trên thực tế, hiện chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định, kiểm chứng tính pháp lý của cơ sở dữ liệu thương mại sử dụng.
Như vậy, quy định hiện hành tạo ra những rào cản nhất định cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong quá trình đề nghị áp dụng APA. Về phía cơ quan thuế, trong bối cảnh cải cách hệ thống thuế, cơ quan thuế sẽ càng cẩn trọng hơn trong công tác quản lý thuế, đặc biệt đối với các hồ sơ APA. Trong khi đó người nộp thuế lại đang lúng túng, bị động trong việc chuẩn bị và theo sát tiến trình xử lý hồ sơ APA do chưa có hướng dẫn cụ thể, kịp thời.
-Vậy bà có khuyến nghị cải thiện, hướng giải quyết trong tương lai?
Đối với doanh nghiệp tại Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia, APA là giải pháp hữu hiệu để lên kế hoạch cấu trúc các giao dịch nội bộ tập đoàn, lập kế hoạch về lợi nhuận kỳ vọng, vừa tối ưu hóa chi phí vận hành cũng như đảm bảo tuân thủ quy định về thuế và giao dịch liên kết.
Đối với cơ quan thuế, APA thực sự là một công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, ngăn ngừa việc đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá giao dịch liên kết.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, việc áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng đáng kể về sức cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có những động thái thiết thực và quyết liệt trong việc cải cách chính sách thuế, trong đó có quy định về quản lý giá giao dịch liên kết và cơ chế APA để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Để cơ chế APA thực sự góp phần hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam cũng như tăng nguồn thu, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Về phía doanh nghiệp, khi có kế hoạch áp dụng cơ chế APA, cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ và các tài liệu bổ trợ để sẵn sàng bổ sung, giải trình khi có yêu cầu từ cơ quan thuế, đồng thời chủ động xin ý kiến, trao đổi từ cơ quan thuế về tình trạng hồ sơ để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đối với các đề nghị áp dụng APA song phương, đa phương, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, cập nhật với tập đoàn về tình trạng hồ sơ cũng như lập phương án để thúc đẩy tiến trình bộ hồ sơ (trao đổi và lấy ý kiến từ các Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan chức năng,...).
Về phía cơ quan thuế, cần đẩy nhanh tiến độ rà soát hồ sơ, tiếp nhận ý kiến đóng góp từ người nộp thuế, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan ban ngành để thực sự hiểu thực tiễn khi áp dụng quy định. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, cơ chế APA thực sự đã tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong quản lý giao dịch liên kết hiệu quả. Vì vậy, cơ quan thuế cần thay đổi góc nhìn về tính hiệu quả và khả thi của cơ chế APA, từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành một cách thiết thực hơn, góp phần hoàn thiện khung pháp lý quy định về thuế và giao dịch liên kết theo tiến trình của chiến lược cải cách hệ thống thuế, đưa các quy định về thuế tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trân trọng cảm ơn Bà!