Xây dựng Đại Từ (Thái Nguyên) trở thành thị xã trước năm 2030
Xây dựng Đại Từ là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, thể thao, y tế, du lịch, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ,...
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, huyện Đại Từ đã và đang đẩy mạnh phát triển các dự án khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) theo quy hoạch. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đô thị, định hình thị xã Đại Từ trong tương lai.
Xây dựng Đại Từ là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, thể thao, y tế, du lịch, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên và vùng liên huyện.
Quy hoạch tạo động lực phát triển
Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, Nguyễn Nam Tiến, cho biết: Nhằm tạo tiền đề cho triển khai các công trình, dự án phát triển đô thị, H Đại Từ xác định quy hoạch phải "đi trước một bước". Quy hoạch xây dựng vùng H Đại Từ có cấu trúc đô thị bền vững, hướng đến mục tiêu cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã trước năm 2025, nâng cao các tiêu chuẩn thị xã đến năm 2040.
Theo đó, huyện triển khai thực hiện 105 đồ án quy hoạch. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thị xã, H Đại Từ đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch vùng H Đại Từ và quy hoạch trung tâm các xã, thị trấn để đầu tư lên phường. Tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, huyện đã thực hiện 29 đồ án quy hoạch KDC, KĐT, tái định cư; 12 đồ án điều chỉnh các quy hoạch đô thị, KDC.
Để các dự án KDC, KĐT phát huy hiệu quả cũng như đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát kỹ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Theo đó, các KDC, KĐT được quy hoạch chi tiết, đảm bảo thu hút đầu tư, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng tiêu chuẩn thị xã trong tương lai.
Đồ án quy hoạch, H Đại Từ được định hướng phát triển không gian thành 3 vùng. Khu vực trung tâm được định hướng là vùng DV-TM – CN và đô thị; vùng nông, lâm nghiệp và du lịch phía Bắc; vùng du lịch, nông lâm nghiệp phía Nam. Đồ án còn quy hoạch vành đai xanh, hành lang xanh, hệ thống không gian xanh.
Phát triển hệ thống đô thị
Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, Nguyễn Nam Tiến nhấn mạnh, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành thị xã được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng không chỉ của riêng H Đại Từ và cả tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Cùng với đó là kịp thời giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB trên 286,3 ha đất để thực hiện 159 dự án, trọng tâm là tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Sông Công kéo dài; đường kết nối QL 37 với đường tỉnh ĐT270.…Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “mở đường”, Đại Từ đẩy mạnh thực hiện quy hoạch hạ tầng về điện, cụm công nghiệp, các dự án TM-DV, sản xuất kinh doanh và các KĐT, khu nhà ở. Hiện, trên địa bàn huyện được quy hoạch 4/5 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư, thêm CCN Quân Chu và Ký Phú – Cát Nê.
Với các KDC, KĐT mới, từ năm 2021 tới nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dự án trên địa bàn H Đại Từ với tổng diện tích 233 ha, tổng mức đầu tư là 4.433 tỷ đồng. Trong đó, 9 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư. Cùng với đó, huyện cũng triển khai nhiều công trình hạ tầng xã hội, tiêu biểu như: Sân vận động Đại Từ giai đoạn 1; các dự án sân golf tại xã Tân Thái, Cát Nê và TT Quân Chu, trong đó khu thể thao sân golf Tân Thái đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án này khi triển khai và hoàn thành sẽ giúp thay đổi căn bản diện mạo H Đại Từ theo hướng văn minh, hiện đại.
Đến nay, H Đại Từ đã và đang triển khai 16 dự án KDC, KĐT, điểm dân cư, với tổng diện tích 180ha. Trong đó, nhiều khu đã đầu tư cơ bản hạ tầng, khớp nối với hệ thống giao thông và các KDC hiện có quanh khu vực.
Bên cạnh công tác quy hoạch, thời gian qua, H Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, GPMB, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thi công tuyến đường liên kết vùng… Các công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần kết nối, hoàn thiện hạ tầng đô thị, cũng như mở ra cơ hội thu hút các dự án KDC, KĐT vào địa bàn. Năm 2023 Đại Từ xếp thứ 3 về chỉ số DDCI.
Có thể thấy, từ một địa phương thuần nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, bộ mặt đô thị của H Đại Từ đã có những thay đổi tích cực với nhiều KDC, KĐT phát triển đồng bộ, hiện đại. Đây chính là một trong nhưng tiền đề quan trọng để địa phương phấn đấu và định hình thị xã Đại Từ trong tương lai.
Thời gian tới, với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trở thành thị xã theo đúng lộ trình, H Đại Từ đang tiếp tục huy động các nguồn lực để từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và mở rộng không gian đô thị. Phấn đấu đến năm 2025 tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn gấp 1,5 lần so với năm 2020. Định hướng đến năm 2030, H Đại Từ phấn đấu có 50% số đơn vị hành chính trên địa bàn đạt tiêu chuẩn phường và hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là thị xã trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.n