Tín dụng - Ngân hàng

Các tổ chức tín dụng nói gì về nợ xấu, lãi suất và tăng trưởng tín dụng?

Lê Mỹ 09/10/2024 04:50

Các tổ chức tín dụng cho biết trong quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ”.

Nợ xấu chưa "giảm nhẹ" như kỳ vọng

Cụ thể, theo Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) về kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của các tổ chức tín dụng (TCTD), như dự báo ở kỳ điều tra trước, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục “tăng nhẹ” trong quý III/2024, tuy nhiên được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong qúy IV/2024.

NH Qtuan
Các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Đánh giá tổng thể năm 2024, các TCTD dự báo MBRR tổng thể của các nhóm khách hàng (KH) tiếp tục tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại nhiều so với năm 2023. Riêng rủi ro của các nhóm KH là TCTD được nhận định tăng nhẹ trong quý III/2024 nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023.

Các TCTD cho biết trong quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống chưa đạt được kỳ vọng "giảm nhẹ”, có xu hướng “tăng nhẹ”, tuy nhiên xu hướng này có biểu hiệu thu hẹp hơn so với quý II/2024. Các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

Tại thời điểm 30/6/2024, báo cáo tài chính của 29 ngân hàng (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) trong nửa đầu năm 2024 ghi nhận, có tới 24/29 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng, đạt gần 242.000 tỷ đồng cuối tháng 6/2024, tăng gần 45.000 tỷ đồng (gần 21%) so với cuối năm 2023, trong khi cho vay chỉ tăng 7,3%. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng 0,24 điểm % so với cuối năm ngoái, lên 2,17 %.

Nếu loại trừ Agribank, tỷ lệ nợ xấu là 2,22%, tăng 0,04 điểm % so với cuối quý I và 0,28 điểm % so với cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng nợ xấu cuối quý II có thể sẽ ghi nhận là “đỉnh” của hệ thống, do bước vào quý III và quý IV, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ hai quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần, theo đó tính pháp lý của các dự án bắt đầu sẽ tháo gỡ dần và từ đó giảm áp lực nợ xấu, cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn. Đặc biệt theo ông Minh, nợ xấu hiện nay phần lớn thuộc về nhóm bất động sản có thể sẽ hạ nhiệt bớt đi trong giai đoạn tới đây.

Một nhận định từ chuyên gia của VinaCapital cho hay, thị trường bất động sản đã và đang có giao dịch khởi sắc và trở lại bánh xe tăng trưởng. Dự kiến bất động sản có thể +30% tăng trưởng về giao dịch trong 2024, nhờ các chính sách hỗ trợ, đặc biệt trong đó là hiệu lực của các Luật đồng bộ gồm Luật Sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; ngoài ra còn có Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Theo các quy định mới, sự khởi sắc của thị trường bất động sản là cơ hội để cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng, bao gồm điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ, thu hồi nợ và thậm chí thúc đẩy mua nợ.

Lưu ý là theo Vụ Dự báo, Thống kê của NHNN, kết quả điều tra được thực hiện trước cơn bão Yagi diễn ra. Do đó, Vụ nhấn mạnh “các nhận định và kỳ vọng/dự báo của các TCTD tại cuộc điều tra chưa tính đến những tác động và thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra”. Tuy nhiên, một số thống kê ước tính, tác động nợ xấu tiềm ẩn từ các khách hàng tại khu vực bị thiệt hại do bão Yagi gây ra sẽ không ảnh hưởng lớn đến hệ thống. FiinGroup và MSVN cùng đưa nhận định trên cơ sở số dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ chỉ khoảng 1%/ tổng dư nợ, là con số rất nhỏ và trong ngắn hạn có thể tác động giảm tỷ suất lợi nhuận của một số ngân hàng, dẫn đầu như Vietcombank, VietinBank, Agribank.

Lãi suất huy động dự báo tăng nhẹ

Kết quả điều tra cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và vay vốn) của khách hàng trong quý III/2024 có cải thiện so với Quý II/2024 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền trong cùng kỳ.

Trong quý IV/2024 và cả năm 2024, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn so với quý III/2024 và năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Các TCTD cũng nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 vẫn duy trì trạng thái “tốt”, tiếp tục cải thiện so với quý trước. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong qúy IV/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023. Tại thời điểm cuối quý III/2024, có 72,8% TCTD nhận định tình hình thanh khoản chung ở trạng thái “tốt” (kỳ trước 72,5%), 25,4% TCTD nhận định thanh khoản “bình thường” (kỳ trước 26,6%).

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, sự ổn định về mức rất thấp của tỷ giá đã tạo thuận lợi cho nhà điều hành trong sử dụng các công cụ kéo giảm lãi suất liên ngân hàng, bơm ròng nhằm hỗ trợ vốn chi phí rẻ hơn. Xu hướng này được nhận định có thể còn tiếp tục giúp bài toán thanh khoản trong bối cảnh nhu cầu tín dụng dự báo gia tăng sẽ không gặp khó khăn.

Tại kết quả điều tra, các TCTD cho rằng trong quý IV sẽ có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 đpt) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 đpt) so với cuối năm 2023.

Huy động vốn toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2024 và 7,9% trong năm 2024 (điều chỉnh giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 10,1% ghi nhận tại kỳ điều tra trước).

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 13,2%/năm

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV/2024 và 13,2% trong năm 2024 (điều chỉnh giảm 0,9 đpt so với mức 14,1% tại kỳ điều tra trước.

Tang truong tin dung
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế (%ytd)

Theo kỳ vọng này, có thể sự khó khăn và có phần thận trọng của các TCTD trong giải ngân vốn kể cả khi nền kinh tế có tín hiệu tăng hấp thu vốn. Kỳ vọng hiện đang thấp hơn chỉ tiêu cao mà NHNN đặt ra (15%), nhưng khá sát với dự báo về tăng trưởng tín dụng cho cả năm của một số định chế tài chính. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng với quyết tâm đưa nền kinh tế đạt tăng trưởng cao 7,5%, hoặc đâu đó giữa mức 6,5-7%, thì tín dụng sẽ phải tăng tốc và có thể mở rộng dư nợ lớn hơn kỳ vọng của chính các TCTD.

Cũng theo Vụ Dự báo Thống kê, kết quả điều tra ghi nhận các TCTD cho rằng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. 71,9- 76,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV/2024 và cả năm 2024.

Tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6% (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ kỳ vọng 86,2% TCTD có cùng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước), bên cạnh đó, vẫn có 15,9% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 11% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Lê Mỹ