Doanh nghiệp

Triển vọng sáng nhưng doanh nghiệp điện tử Việt khó bứt phá

Hạnh Lê 09/10/2024 02:59

Là ngành có triển vọng sáng khi Việt Nam đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn nhưng doanh nghiệp điện tử Việt chỉ chiếm thị phần nhỏ.

Tính đến tháng 9, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành trong 9 tháng tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng chung 8,6% của toàn ngành công nghiệp.

SX dien tu
Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất điện tử trong 9 tháng tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp

Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, sự phát triển của điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến phát triển chung của xuất khẩu cả nước. Vì vậy, tín hiệu phục hồi tích cực trên dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp cho sự phục hồi chung của nền kinh tế. Sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện cũng được nhiều chuyên gia đánh giá có triển vọng sáng sủa khi Việt Nam có cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp điện tử là ngành có nhiều thuận lợi để phát triển khi Việt Nam nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động; thị trường nội địa hơn 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN. Chưa kể, nhiều thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn khác khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử còn đến từ nguồn lao động dồi dào cũng như tài nguyên quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử…

Mặc dù đóng vai trò lớn trong xuất khẩu nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Do năng lực hạn chế nên sản phẩm của doanh nghiệp trong nước chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ tạo giá trị gia tăng cao.

SX dien tu 2
Cần tăng cường hợp tác kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp điện tử, hỗ trợ trong nước

Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ; thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp FDI có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây chính là con đường để doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, để chủ động và phát triển nhanh, bền vững, cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng; tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

Hạnh Lê