Công nghệ

Thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ

Lê Hà thực hiện 09/10/2024 11:21

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 nhằm đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại.

pham-hong-quat.jpg
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - Bộ KH & CN

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - Bộ KH & CN cho rằng: cần có nhiều giải pháp đồng bộ và đột phá để doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển hơn nữa.

- Tính đến nay số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KHCN) chưa đạt được con số như kỳ vọng và đúng với thực tế, theo ông đâu là “điểm nghẽn” chính của thực trạng này?

Theo kết quả của các cuộc điều tra, số lượng các doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động theo mô hình DN KHCN đạt khoảng 3000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận còn hạn chế do một số nguyên nhân sau: sự trùng lặp các chính sách ưu đãi giữa các ngành nghề và lĩnh vực; thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay thủ tục giao quyền các kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước còn phức tạp; điều kiện về tỷ lệ doanh thu để chứng nhận và duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận DN KHCN là một thách thức đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hoặc các tập đoàn/công ty lớn kinh doanh đa ngành nghề…

- Nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng thúc đẩy hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp KHCN, đây chính là “chìa khoá” để phát triển DN KHCN. Bộ KHCN đã đề ra những giải pháp gì, thưa ông?

Việc tiếp tục hoàn thiện chính sách về phát triển DN KHCN được Bộ KH-CN xác định là nhiệm vụ trọng tâm trước tiên trong công tác quản lý nhà nước về phát triển DN KHCN.

Trong thời gian tới, Bộ KH-CN tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế chính sách để phát triển mạnh mẽ DN KHCN, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư, đất đai.. với DN KHCN, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung.

Bộ cũng đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản pháp lý hướng dẫn triển khai đối với DN KHCN, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung...

Đặc biệt, Bộ nghiên cứu xây dựng Chương trình Ươm tạo và phát triển DN KHCN đến năm 2030 nhằm khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ và tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

khcn2.jpg
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ hai từ phải qua) cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐT

Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thí điểm phát triển mô hình DN KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu để triển khai Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học… nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ để hình thành DN KHCN.

Phát triển đội ngũ doanh nhân khoa học, công nghệ theo Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thông qua các hoạt động đối thoại, vinh danh, khen thưởng…

- Còn với các bộ ban ngành khác thì sao, thưa ông?

Trách nhiệm của các Bộ, ban ngành trong việc triển khai chính sách phát triển DNKHCN đã được quy định cụ thể trong Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Theo tôi, việc tham gia và phối hợp của các Bộ ngành là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quy định của pháp luật của các ngành, lĩnh vực đối với DNKHCN, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, quy định không thống nhất giữa các văn bản.

- Với những đặc điểm và điều kiện của Việt Nam hiện nay cần có lộ trình và chiến lược như thế nào để phát triển cộng đồng DN KHCN lớn mạnh, thưa ông?

Kế hoạch và lộ trình phát triển DN KHCN đã được Bộ KHCN xác định trong Kế hoạch phát triển DNKHCN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định 2282/QĐ-BKHCN ngày 13/9/2021). Trong đó xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong Lộ trình phát triển DN KHCN là nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về DN KHCN, nghiên cứu đề xuất Chương trình ươm tạo và phát triển DN KHCN đến năm 2030, đề xuất giải pháp khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KHCN để tăng cường nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới...

- Ông có chia sẻ gì về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DN KHCN, thưa ông?

Việc có các chính sách đột phá, hỗ trợ đặc biệt cho DN KHCN là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mới nhất, với việc ban hành Luật thủ đô, chính sách đặc thù của các vùng kinh tế, Bộ KHCN phối hợp với các cơ quan có liên quan để đề xuất thêm các chính sách đặc thù dành cho DN KHCN phù hợp với đặc thù của từng địa phương để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng DNKHCN.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hà thực hiện