VCCI

Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp

Trường Đặng 09/10/2024 14:36

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại ASEAN BIS 2024 (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024, được tổ chức từ ngày 8 đến 11/10 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, tập trung vào các định hướng phát triển doanh nghiệp trong khu vực ASEAN.

Sự kiện này thu hút hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp lớn của khu vực và thế giới, cùng các lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia, bao gồm Thủ tướng Lào, Tổng thống Philippines, và lãnh đạo từ các nước đối tác như Canada, New Zealand và Liên minh Châu Âu.

Với chủ đề “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi kinh tế”, ASEAN BIS 2024 là diễn đàn lớn nhất liên quan đến doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, do Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tổ chức. Hội nghị lần này tập trung thảo luận sáu lĩnh vực ưu tiên, gồm: chuyển đổi số, phát triển bền vững, phục hồi ngành y tế, an ninh lương thực, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, cùng hội nhập kết nối chuỗi cung ứng.

Thủ tướng: “Doanh nghiệp là trụ cột của sự phát triển”

Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu phát biểu bằng lời cảm ơn sự đón tiếp trọng thị từ phía nước chủ nhà Lào và Chủ tịch ASEAN 2024, Thủ tướng Sonexay Siphandone. Ông khẳng định, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ASEAN vẫn là tâm điểm tăng trưởng nhờ tinh thần “tự lực, tự cường”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp ASEAN, là lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự thành công chung của khối.

asean2-81024.jpg
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân khu vực thực hiện “5 tiên phong” để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân khu vực thực hiện “5 tiên phong” để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập. Cụ thể, ông đề nghị các doanh nghiệp:

Thứ nhất, tiên phong đóng góp cho ASEAN tự cường: Doanh nghiệp cần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, và internet vạn vật cũng được xem là động lực phát triển.

Thứ hai, tiên phong thúc đẩy kết nối kinh tế: Các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối giữa các quốc gia, bao gồm cả kết nối mềm như thể chế, chính sách, và kết nối cứng về giao thông, năng lượng và hạ tầng số.

Ba là, tiên phong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia ASEAN phải đối mặt với già hóa dân số, thiên tai và dịch bệnh. Doanh nghiệp cần khắc phục các mặt trái của phát triển công nghệ, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng.

Thứ tư, tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược: Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng chính sách, nâng cao năng lực quản trị và huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng.

Cuối cùng, tiên phong trong hội nhập quốc tế: Thủ tướng khuyến nghị doanh nghiệp ASEAN không ngừng tăng cường hợp tác với thế giới, tôn vinh chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Sep Vinh 1
Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI, Nguyễn Quang Vinh, nhấn mạnh vai trò của chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh: Trường Đặng)

Việt Nam trong thúc đẩy thương mại đầu tư ASEAN

Trong khuôn khổ ASEAN BIS 2024, sự tham gia và cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Việt Nam thể hiện sự quyết tâm thúc đẩy hợp tác khu vực và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, góp phần xây dựng một ASEAN tự cường và phát triển bền vững.

Thủ tướng khẳng định rằng Việt Nam đang thực hiện ba đột phá chiến lược để cải thiện môi trường đầu tư: hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, không chỉ ở trong nước mà còn trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip bán dẫn, và chuyển đổi số. Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp quốc tế tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hợp tác theo tinh thần “4 cùng”: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng”, và “cùng phát triển”.

Cũng phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh vai trò của chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông khẳng định dưới sự điều hành của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam đã có nhiều chính sách với tinh thần “chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp”, “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" để cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, góp phần tạo nên một nền kinh tế mạnh mẽ và xã hội thịnh vượng.

“Việc Thủ tướng tham dự ASEAN BIS hôm nay không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ngài đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN, mà còn khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, là sự động viên to lớn giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh tốt hơn - thế giới tốt hơn", Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam khẳng định.

Trường Đặng