24h

Tháo gỡ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

Bài & Ảnh: Yến Nhung 09/10/2024 13:06

Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đây là chủ đề của Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức ngày 09/10/2024.

z5910821788330_26dadb4bfbe07c9a088922f41be6f008 (1)
Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức ngày 09/10/2024

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế theo hướng tạo hành lang pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới.

Để đáp ứng yêu cầu này, chúng ta cần thường xuyên rà soát, nhận diện và giải quyết vấn đề pháp lý, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Với tinh thần đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững, Bộ Tư pháp, Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cũng đã phối hợp, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung làm rõ các vấn đề tồn tại, trong các quy định về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề xuất xây dựng hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 Phiên họp chuyên đề để xây dựng pháp luật, ban hành 112 Nghị định, 215 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 Phiên họp của Ban chỉ đạo về rà soát xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý. Những việc làm đó cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong công tác xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thời gian qua.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu".

Bộ trưởng (1)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, bên cạnh những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất, các chuyên gia, đại biểu, doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) nhận định, vấn đề hoàn thuế vẫn là vấn đề nóng hiện nay. Mặc dù cơ quan thuế đã rất nỗ lực cố gắng, tuy nhiên trong thực tế hoàn thuế vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ hệ thống thể chế và quản lý thực thi.

“Tôi lấy ví dụ, việc hoàn thuế cho xuất khẩu gỗ, nếu khi làm hồ sơ cơ quan thuế kiểm tra đơn vị xuất khẩu có đủ sản phẩm, tờ khai hải quan, thông tin nước nhập khẩu, hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào hợp pháp, thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo đúng quy định… cơ quan thuế sẽ hoàn thuế theo đúng quy trình. Tuy nhiên khi các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện doanh nghiệp cung cấp gỗ cho nhà máy sai phạm trong kê khai gỗ đầu vào, sử dụng hóa đơn chứng từ bất hợp pháp, hàng hóa nhập lậu hay cố tình kê khai nguyên liệu mua vào không đúng thực tế… Trong trường hợp này không được quy trách nhiệm cho cán bộ thuế, đơn vị cung cấp nguyên liệu, nhà máy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Cúc dẫn chứng

Theo chuyên gia này, để giải quyết thấu đáo, căn cơ vấn đề này, cần có quy định để bảo vệ, miễn trừ, giảm thiểu trách nhiệm cho cán bộ, công chức ngành thuế.

Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức ngày 09/10/2024.
Toàn cảnh Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024

Đồng tình với quan điểm của bà Cúc, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế trong quản lý thuế làm ảnh hưởng đến tâm lý của công chức thuế khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế.

“Để bảo đảm việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế được kịp thời, cần quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Đồng thời, tăng trách nhiệm của người nộp thuế”, bà Nguyễn Quỳnh Anh đề nghị.

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục thuế, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, vụ án Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã làm ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý của công chức.

Đề xuất giải pháp, ông Mai Xuân Thành cho rằng, cần có quy định pháp luật để công chức thuế yên tâm, trách nhiệm của công chức thuế cần được quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật cần thiết, ở mức cần thiết.

“Cán bộ thuế chỉ chịu trách nhiệm theo các thông tin trên hồ sơ doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn, không phải chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp gian lận trong việc kê khai và cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác dẫn đến giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp không đúng quy định”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ.

Bài & Ảnh: Yến Nhung