Kinh tế

Kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển

Yến Nhung 10/10/2024 11:00

Để giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, các cơ chế, chính sách cùng sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là vô cùng quan trọng.

Thực tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Luỹ kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD…

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sau cơn bão số 3 - Ảnh minh họa: ITN
Thực tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng - Ảnh minh họa: ITN

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường đã có tín hiệu khá tích cực qua từng quý. Quý I/2024, số doanh nghiệp ra nhập thị trường chỉ bằng 0,8 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; chỉ số này của 6 tháng đã đổi chiều, với số doanh nghiệp ra nhập bằng 1,08 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; đến 9 tháng, chỉ số doanh nghiệp ra nhập thị trường gấp 1,11 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Tuy nhiên, theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), trong nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025 vẫn có nhiều biến số trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do dịch Covid-19, lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão Yagi. Vì vậy, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo thế và lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Trong bối cảnh bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều điểm sáng, đan xen với khó khăn thách thức. Chính phủ và các địa phương cần khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, sớm đưa các doanh nghiệp và hộ sản xuất bị ảnh hưởng quay trở lại hoạt động. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy và phát huy hiệu quả cao nhất các động lực tăng trưởng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

086021fadbebc169140e11d1dee71c40 (1)
Trong thời gian tới, các cơ chế, chính sách cùng sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp phát triển - Ảnh minh họa: ITN

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những định hướng và giải pháp then chốt, tập trung vào ba nhóm đối tượng.

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước đồng hành, kiến tạo mà cụ thể là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo sự công bằng, minh bạch; hoàn thiện cơ chế chính sách; đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, đào tạo, xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp đại diện tiếng nói doanh nghiệp, cần đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, phản ánh kịp thời, chính xác những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tới cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên thông qua tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức; đặc biệt là thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng các mạng lưới vững mạnh.

Nhấn mạnh lực lượng nòng cốt vẫn là cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các doanh nhân chủ động đổi mới, sáng tạo; trong đó tư duy kinh doanh cần phải đổi mới với các mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Được biết, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Cùng đó, khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.

Yến Nhung