Chứng khoán

FTSE: Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thị trường chứng khoán

Lê Mỹ 10/10/2024 05:03

Trong báo cáo xếp hạng thị trường tháng 10/2024 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market).

Đáng chú ý, FTSE đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam để đáp ứng các tiêu chí cho việc nâng hạng. Cụ thể, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào ngày 18 tháng 9 năm 2024 gỡ vướng tiêu chí ‘’non-prefunding’’. Thông tư này loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước đối với nhà đầu tư tổ chức quốc tế, bằng cách cập nhật các quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán bù trừ giao dịch, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin.

TTCK Việt Nam ghi nhận sức hút đối với nhà đầu tư khi vẫn giữ hiệu suất tốt hơn so với các kênh đầu tư truyền thống. Ảnh minh họa
TTCK Việt Nam kỳ vọng tăng sức hút đối với nhà đầu tư ngoại khi cải thiện các quy định để nâng hạng. Ảnh minh họa

Song song đó, việc hoàn thiện quy tắc hoạt động của Sở Lưu ký và Thanh toán Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang được đẩy nhanh, với sự tham gia tích cực của cộng đồng đầu tư quốc tế. Các nỗ lực này nhằm đảm bảo rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

FTSE cũng cho biết thêm rằng để đạt được mục tiêu trở thành thị trường mới nổi vào năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thị trường chứng khoán. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các cuộc trao đổi giữa các đơn vị Việt Nam và cộng đồng đầu tư quốc tế, nhằm đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

“Điều quan trọng là phải duy trì tốc độ thay đổi nếu Việt Nam muốn đạt được thời hạn mục tiêu năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đặt ra đầu năm nay. Các quy tắc thị trường sửa đổi cần được xác nhận và truyền đạt rộng rãi trong thời gian tới, bao gồm việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán, cùng với lộ trình và các mốc quan trọng để triển khai” , FTSE Russell nhấn mạnh.

Quyết định của FTSE trong kỳ đánh giá tháng 10 này không gây bất ngờ với giới đầu tư. Trước đó, nhiều CTCK cũng cho rằng để có thể đạt được đầy đủ các tiêu chí, Việt Nam vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong hoàn thiện các quy định và dự kiến, có thể sẽ được FTSE nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025. Sau đó, sẽ hoàn thiện đủ tiêu chuẩn cơ sở để tiến đến được xem xét nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi theo xếp hạng MSCI vào 2026.

Nhấn mạnh về những nỗ lực của các cơ quan quản lý, với việc ban hành Thông tư 68 để loại bỏ yêu cầu pre-funding cho NĐT tổ chức nước ngoài từ đầu tháng 11/2024, cùng với những cải cách và hoàn thiện thị trường chứng khoán, nhóm phân tích Chứng khoán Maybank tái khẳng định kỳ vọng FTSE sẽ chính thức nâng hạng thị trường Việt Nam lên trạng thái mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 3/2025 (theo kịch bản tích cực), hoặc tháng 9/2025 (theo kịch bản trung tính).

msvn.jpg

Như vậy, do kết quả trong kỳ đánh giá không ngoài dự đoán, thị trường không có nhiều phản ứng với thông tin này.

Nhận định thêm về triển vọng, tác động với thị trường từ việc áp dụng quy định tại Thông tư 68, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán của VinaCapital cho biết, VinaCapital đã làm việc với một số công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán có thị phần cao trong phân khúc khách hàng nhà đầu tư nước ngoài, thì họ cho biết đều đã sẵn sàng vốn đối ứng cho nhà đầu tư nước khi cần, ngay khi Nhà nước cho phép thực hiện quy định bỏ ký quỹ giao dịch 100%.

“Điều mà chúng tôi cũng phân tích được là các nhà đầu tư nước ngoài rất tán thành Thông tư vì rõ ràng thuận lợi hơn cho họ, các công ty chứng khoán cũng nhận định sẽ thu hút vốn hoặc bản thân dự định cung cấp dịch vụ để lấy được thêm thị phần bao nhiều; tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy có một điểm có thể rủi ro cho các công ty chứng khoán, là nếu họ tăng vốn đều thực hiện cung cấp dịch vụ này nhưng sau đó nếu nhà đầu tư nước ngoài không vào thì sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của họ”.

“Tóm lại, đây là quy định thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vì sân chơi thuộc về các công ty chứng khoán nên chỉ có các công ty chứng khoán lớn, có vốn dồi dào mới tham gia được sân chơi này trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài cần vốn đối ứng để thực hiện giao dịch trong ngày. Trong số các công ty chứng khoán, tùy mỗi bên sẽ có chiến lược thu phí hoặc miễn phí để thu hút khách hàng tăng thị trường. Do đây là quy định mới chưa áp dụng nên chúng ta phải quan sát thêm song chúng tôi tin tưởng khi Thông tư được áp dụng, chắc chắn sẽ giúp TTCK thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài”, bà Thu chia sẻ.

Kỳ vọng về nâng hạng lên thị trường mới nổi sau khi Thông tư 68 ban hành, SSI Research ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF). Các cổ phiếu VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI có thể thu hút dòng tiền lớn Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo SSI Research.

Cùng chung quan điểm như đại diện VinaCapital, ACBS đánh giá các CTCK có thị phần giao dịch khách hàng tổ chức lớn nhất dự kiến sẽ hưởng lợi, bao gồm SSI, HCM và VCI nhờ phí giao dịch từ dòng vốn của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam khi thị trường được nâng hạng.

Bên cạnh đó, "rổ" kỳ vọng hưởng lợi của ACBS gọi tên 8 mã cổ phiếu VCB, GAS, VHM, VIC, HPG, VNM, MSN, SSI. Ngoài ra, CTG, ACB và TCB cũng có khả năng lọt vào danh khi thỏa mãn các điều kiện.

Mới đây, phát biểu tại hội thảo “Đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia”, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng cho biết, trong quá trình thực thi Luật Chứng khoán năm 2019 suốt 3 năm qua, bên cạnh các thuận lợi, thực tế cũng đã phát sinh một số vướng mắc từ thực tiễn thị trường. Theo đó, một trong các trọng tâm nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật là các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng TTCK, cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên TTCK Việt Nam…

Theo đánh giá của World Bank, thị trường cổ phiếu của Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành nguồn huy động tài chính quan trọng cho khu vực tư nhân. Trong thời gian tới, với khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần thu hút đầu tư quốc tế ở mức đáng kể để tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn. Khi quy mô cơ sở các nhà đầu tư trong nước còn nhỏ, Việt Nam cần thêm sự hỗ trợ của các nhà đầu tư danh mục quốc tế.

“Hiện nay, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell—hai trong số những tổ chức xếp hạng chỉ số lớn nhất thế giới dựa trên số vốn theo dõi các chỉ số của họ—xếp hạng là Thị trường Cận biên. Việc nâng hạng lên Thị trường Mới nổi sẽ là động lực quan trọng để thị trường của Việt Nam được công nhận là có khả năng đầu tư, xét đến khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như lượng cổ phiếu có đủ quy mô và thanh khoản để trở nên hấp dẫn”, các chuyên gia nhận định.

Đồng thời World Bank khuyến nghị để đạt được nâng hạng này, Việt Nam không chỉ cần loại bỏ thông lệ về ký quỹ và phong tỏa chứng khoán trước giao dịch (đã được cải thiện tại Thông tư 68); phải cải thiện về giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ cổ phiếu tối đa nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu. Cùng với đó, cải thiện về vấn đề tiếp cận thông tin công bằng, đặt ra yêu cầu bắt buộc công bố thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh và từng bước triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin từ doanh nghiệp Việt.

Lê Mỹ