Giải quyết bất cập trong quy định tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế
“Thuế là nguồn thu quan trọng, là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội. Quy định tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế là đúng nhưng cần có cách làm hợp lý…”.
Đây là chia sẻ của ông Phan Phương Nam, Phó khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM xung quanh quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế đang được dư luận hết sức quan tâm.
Theo đó, Tổng cục Thuế vừa có thông tin làm rõ vấn đề về quy định “tạm hoãn xuất cảnh” của một bộ phận doanh nghiệp và người nộp thuế. Theo đó, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế, cho rằng đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Thứ nhất, khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, có những ý kiến trái chiều cho rằng người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế lập luận, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại điện pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại điện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định. Việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.
Thứ hai, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh. Dẫn quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế cho phép thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể, song Tổng cục Thuế cũng hứa sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Thứ ba, doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây chính là băn khoăn của không ít doanh nghiệp và người nộp thuế và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế trả lời sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và các quy định liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ với báo chí từ góc nhìn chuyên gia, ông Phan Phương Nam, Phó khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, khoản thuế là nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội. Do vậy, quy định tạm hoãn xuất cảnh đại diện doanh nghiệp nợ thuế là đúng nhưng cần có cách làm hợp lý.
Ông đề xuất cơ quan thuế có thêm cơ chế về việc cảnh báo với các cá nhân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, sau các quy định cảnh báo cụ thể như việc ra thông báo, gửi vào điện thoại, email… mà doanh nghiệp vẫn không nộp thì tính đến trường hợp hoãn xuất cảnh.
Không cần có ngưỡng thuế để cấm xuất cảnh bởi ngưỡng này chỉ dùng khi xử lý hình sự. "Việc hoãn xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp nợ thuế là để đánh vào ý thức", ông nêu và cho biết không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Về việc cơ quan thuế cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ông Nam cho rằng việc "bêu" tên đại diện doanh nghiệp nợ thuế nên thực hiện khi doanh nghiệp nhận được nhiều nhắc nhở của cơ quan thuế mới áp dụng. "Trong trường hợp cơ quan thuế đã có nhiều hình thức nhắc nhở, doanh nghiệp vẫn chây ỳ thì cần có biện pháp bêu tên để răn đe", ông Nam nói.
Ở phía cơ quan thuế, ông Phan Phương Nam cho rằng cần đảm bảo sự công bằng, để mức nợ thuế bị cấm xuất cảnh của các doanh nghiệp là ngang nhau. "Có doanh nghiệp nợ vài trăm nghìn cũng bị cấm xuất cảnh, có doanh nghiệp nợ cả tỷ đồng song lại không bị. Cần rà soát để có sự công bằng, bởi có chi cục làm, có chi cục không làm, hoặc cùng chi cục thuế nhưng có cán bộ làm, có cán bộ không, gây bất công", vị này bày tỏ.
Ông Nam cũng lưu ý, Nhà nước đã có cơ chế với doanh nghiệp khó khăn, có thể được hoãn, giảm, miễn thuế. Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất xem doanh nghiệp thuộc diện nào. Nếu làm đúng thủ tục, thể hiện sự thiện chí thì cơ quan thuế sẽ cho tạm hoãn trước khi thực thi các biện pháp cấm xuất cảnh.