Google đối mặt với nguy cơ bị chia nhỏ
Theo Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), đây là liều thuốc mạnh nhằm loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường công cụ tìm kiếm.
Trước đó, DOJ đã kiện Google, cáo buộc ông lớn công nghệ này có những hành vi độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm. Ông Amit Mehta, thẩm phán chịu trách nhiệm xử lý vụ kiện, đưa ra phán quyết có lợi cho DOJ.
Các luật sư của DOJ đã tổng hợp các “biện pháp khắc phục” khả thi bằng 32 trang tài liệu để ông Mehta xem xét. Trong đó bao gồm “các biện pháp đánh vào hành vi và cấu trúc nhằm ngăn Google sử dụng các sản phẩm của mình như Chrome, Play và Android để tạo nên lợi thế cho Google Search”.
Đáp trả lại động thái này, Google đăng một bài viết nhấn mạnh rằng các đề xuất của DOJ có nguy cơ gây tổn hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và giới lập trình viên. Chưa biết sẽ tổn hại đến đâu, chỉ biết trước mắt, trong phiên giao dịch sáng Thứ Tư 9/10, cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) đã giảm hơn 1%.
Đề xuất này của DOJ là bước đầu tiên trong kế hoạch chia nhỏ một đế chế công nghệ, giống cách họ làm với Microsoft hơn 20 năm về trước. Trong câu chuyện ấy, DOJ đạt được mục đích khi Microsoft buộc phải thỏa thuận và mở ra cánh cửa cạnh tranh rộng rãi trên thị trường trình duyệt internet.
Động thái hiện nay của DOJ là lời cảnh báo của chính phủ Mỹ đối với những gã khổng lồ công nghệ đang đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền. Đó cũng là một phần trong những nỗ lực nhằm kiềm chế hành vi độc quyền, phản cạnh tranh của chính quyền tổng thống Joe Biden.
Ngoài kiện Google độc quyền, DOJ còn cáo buộc tội trạng tương tự với Apple, Amazon và Microsoft.
Vụ kiện độc quyền chống lại Google đã xuất hiện bước ngoặt vào tháng 8, khi thẩm phán đứng về phía DOJ và kết luận Google độc quyền bất hợp pháp công cụ tìm kiếm trực tuyến và thị trường quảng cáo từ khóa. Trong đó, ông Mehta kết luận rằng những thỏa thuận của Google với các nhà cung cấp trình duyệt và với các thiết bị chạy hệ điều hành Android đã khiến các đối thủ của Google không thể gia nhập và phát triển.
Sau khi đưa ra kết luận, bây giờ là lúc ông Mehta quyết định sẽ dùng những “biện pháp khắc phục” nào trong giai đoạn thử nghiệm dự kiến diễn ra từ năm 2025. Ngoài 32 trang tài liệu kể trên, trước ngày 20/11, DOJ sẽ cung cấp thêm một tài liệu chi tiết hơn về các biện pháp này.
Trong 32 trang tài liệu, ngoài việc gợi ý bắt Google phải bán đi một vài bộ phận kinh doanh, DOJ còn đưa ra nhiều đề xuất khác,
Thứ nhất, DOJ đặc biệt nhắm đến các thỏa thuận biến Google thành công cụ tìm kiếm độc quyền. Hiện nay, đối với các thiết bị chạy hệ điều hành Android, Google nghiễm nhiên là trình duyệt mặc định vì Android là sản phẩm của Google. Ngoài ra Google trả tới 26 tỷ đô mỗi năm để duy trì vị thế của mình đối với các thiết bị di động của Apple và Samsung. DOJ cho biết họ có thể yêu cầu giới hạn hoặc ngừng các hợp đồng này.
Thứ hai, DOJ có thể yêu cầu thẩm phán buộc Google phải chia sẻ với các trình duyệt đối thủ những dữ liệu họ dùng để đào tạo thuật toán, đồng thời hạn chế sự thống trị của Google trong mảng quảng cáo từ khóa.
Thứ ba, DOJ đề nghị thẩm phán nên xem xét ngăn chặn Google độc quyền bất hợp pháp các thị trường liên quan khác bên ngoài thị trường quảng cáo từ khóa.
Thứ tư, DOJ yêu cầu thẩm phán buộc Google hiển thị thêm lựa chọn “không tham gia các sản phẩm trí tuệ nhân tạo do Google sở hữu” trên các website.
Không ngoài dự đoán, Google đã phản đối các đề xuất của DOJ.
Lee-Anne Mulholland, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google, nhận định rằng kế hoạch của DOJ đang vượt xa phạm vi pháp lý mà thẩm phán có thể đưa ra trong vụ kiện. Đồng thời Google cho biết họ sẽ kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.
Trong thời gian Tòa phúc thẩm xử lý, Google vẫn có nguy cơ phải tuân theo các yêu cầu của Thẩm phán Mehta. Chỉ khi Tòa phúc thẩm phán quyết Google vô tội, thì ông Mehta mới không được quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
Nhận xét về vụ kiện, ông Mozella Thompson, cựu ủy viên Ủy ban Thương mại Liên bang, cho biết rất khó để chia tách Google. Đó là một cách làm bất thường và mất rất nhiều thời gian.