Sửa Luật Đầu tư công: Phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật
Khi sửa đổi Luật Đầu tư công, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn, đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi (Dự thảo) gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn. Cụ thể là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng đó là các nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Nhiều ý kiến đánh giá nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin-cho"…
Dù đã có những thay đổi lớn, nhưng một số ý kiến cho rằng, Dự thảo chưa giải quyết được những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay. Theo đó, một nội dung trong Dự thảo chưa nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra là quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hàng năm đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất”.
Về nội dung này, Luật Đầu tư công hiện hành quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương. Hàng năm, Quốc hội thông qua các nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (trong đó quyết định dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương).
Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương đã được Quốc hội quyết định. Việc quyết định dự toán ngân sách Nhà nước đã được thực hiện ổn định nhiều năm (đối với cả chi thường xuyên và chi đầu tư), không có vướng mắc phát sinh.
“Do vậy, Ủy ban đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm quy định của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, yêu cầu các nội dung sửa đổi phải phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo thống nhất các luật khác có liên quan.
“Trong thời gian này, Chính phủ cũng đang đề nghị sửa đổi 2 luật khác nữa (luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư và luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính). Do đó, đây là cơ hội để sửa đổi đồng bộ, thống nhất và các luật được sửa phải đảm bảo không vênh nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, mỗi lần sửa luật là một lần khó. Việc sửa Luật Đầu tư công lần này động đến khá nhiều vấn đề, là việc rất cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn nhưng cũng không vì thế mà nhân nhượng chất lượng hoặc vi phạm các nguyên tắc của Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tất cả các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hết mức để đánh giá đúng căn nguyên của những hạn chế để giải quyết “trúng” những khó khăn vướng mắc. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đầu tư công chậm được giải ngân không chỉ nằm ở luật, mà còn ở công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí bồi thường, tái định cư chậm…
“Cùng khung pháp luật đó, vẫn có những địa phương làm tốt, có địa phương chưa. Chính phủ yêu cầu hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, nhưng đến nay vẫn có tới 12 địa phương chưa làm. Chỉ sửa luật như thế này thì vẫn chưa tháo gỡ hết được vướng mắc trên thực tế”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phân tích.