Triết lý thương hiệu hội nhập từ góc nhìn của nhà tư vấn doanh nghiệp
Thương hiệu gói ghém trong đó rất nhiều sự đầu tư, là kết quả của một quá trình tâm huyết. Một thương hiệu mạnh nghĩa là hệ thống giá trị phải quy được thành giá trị tài chính.
Đó là thông điệp mà chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương gửi gắm trong cuốn sách “Master Branding – Phương pháp xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững dành cho nhà quản lý”. Cuốn sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả trong tháng 10 này.
Tại lời nói đầu cuốn sách, tác giả khẳng định: Trong hành trình phát triển kinh doanh của một công ty, có thể chỉ cần một năm để hoàn tất những quy trình nội bộ và các chỉ số đánh giá để vận hành cơ bản, cần vài năm để tinh chỉnh đóng gói sản phẩm/dịch vụ. Nhưng để xây dựng được một thương hiệu thực sự mạnh cần tới hàng chục năm hoặc lâu hơn thế.
Thương hiệu không chỉ có chức năng phân biệt. Nội hàm của giá trị thương hiệu bao gồm rất nhiều thứ, từ thị trường, tên tuổi, sản phẩm/dịch vụ, cho đến con người và sản phẩm của con người (văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp). Tên của một doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Từ cái tên đến “tên tuổi thương hiệu” là một hành trình tích lũy bề dày chất lượng, uy tín, cam kết, thậm chí là danh dự của cả doanh nghiệp đó.
Trong quan điểm của tiếp thị hiện đại, một thương hiệu được xây dựng thành công không chỉ bởi sản phẩm hoặc dịch vụ, mà còn bởi cách mà thương hiệu đó kết nối với văn hóa và con người. Với phần lớn các ngành nghề, khách hàng không chỉ đưa ra quyết định dựa vào nhu cầu tiêu dùng, mô hình mua của họ còn bị ảnh hưởng bởi những giá trị cá nhân, khát vọng, cách mà họ cảm nhận về thương hiệu trong khung cảnh và câu chuyện phát triển chung của xã hội.
Tác giả Master Branding chia sẻ: Thực ra, đã có nhiều đầu sách viết về thương hiệu, song việc thể hiện những “khái niệm không mới” qua góc nhìn khác sẽ làm cho vấn đề được thêm sáng tỏ và đa chiều, giúp cho những người cần tham khảo được tiếp cận với những quan điểm mới và sâu hơn.
Thế hệ của những doanh nhân, những nhà quản lý giờ đây đã rất khác và rất mới, là thành quả của sự phát triển tiếp biến của xã hội hiện đại. Họ có trí tuệ, có sự hiểu biết, nắm bắt công nghệ và thông tin nhanh, nhạy bén. Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt nếu họ được góp sức thêm bằng những trải nghiệm của những người trong cuộc.
Cuốn sách Master Branding được viết những trang đầu tiên từ năm 2020, ra bản “bông” lần đầu vào cuối năm 2022, sau đó được cập nhật và chỉnh sửa nhiều lần, gần như không còn tuân theo cấu trúc ban đầu (giáo trình), mà được tinh chỉnh lại theo hướng một cuốn sách tham khảo với lối hành văn nhẹ nhàng, sinh động và nhiều ví dụ hơn.
Song, mục tiêu của cuốn sách không thay đổi, đó là cung cấp góc nhìn của người trong cuộc để hướng dẫn các nhà quản lý hoặc chủ doanh nghiệp, các startup xây dựng thương hiệu mạnh và bền vững, bắt đầu từ việc hiểu sâu sắc về lịch sử phát triển, các thành tố trong thương hiệu, truyền thông thương hiệu, mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa doanh nghiệp với thương hiệu.