AI có thể tăng tỉ lệ du khách quốc tế quay lại Việt Nam
Công nghệ AI có thể giúp Việt Nam trở nên dễ tiếp cận, hấp dẫn và đáng nhớ hơn đối với khách quốc tế.
Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, với lượng khách quốc tế gần bằng mức trước đại dịch. Tuy nhiên, một thách thức lớn vẫn hiện hữu: tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam vẫn ở mức thấp, dao động dưới 10%, trái ngược với các quốc gia như Malaysia và Thái Lan.
Hơn một phần tư (28%) du khách đã đến Thái Lan vào năm 2023 cho biết họ có ý định quay lại trong 12 tháng tới. Đối với khách du lịch văn hóa (phân khúc thị trường mà Việt Nam muốn thu hút), ý định quay lại thậm chí còn lớn hơn, ở mức 59,42%.
Nguyên nhân đằng sau sự chênh lệch này khá phức tạp. Chúng có thể bao gồm những yếu tố như sức hấp dẫn của các điểm đến, tính thuận tiện của hệ thống giao thông, tình hình đào tạo nguồn nhân lực, rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, chất lượng nơi lưu trú và tính khả dụng của cơ sở hạ tầng du lịch.
Trong số các yếu tố, có bốn lĩnh vực quan trọng mà AI có thể là một “trợ thủ đắc lực” giúp đối phó với những thách thức hiện tại. Đó là giải quyết rào cản ngôn ngữ, thu hẹp khoảng cách văn hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng tầm trải nghiệm của khách du lịch.
1. Vượt qua rào cản ngôn ngữ bằng dịch thuật hỗ trợ AI
Với hệ thống thanh điệu phức tạp, chữ viết độc đáo và ngữ pháp riêng biệt, tiếng Việt là một thách thức đối với hầu hết du khách quốc tế. Bên ngoài các trung tâm du lịch lớn, du khách có thể gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc điều hướng nếu không biết tiếng Việt. Rào cản ngôn ngữ này không chỉ gây khó khăn về giao tiếp mà còn dẫn đến hiểu lầm về văn hóa và khiến du khách không kết nối được với bản sắc địa phương.
Các công cụ dịch thuật AI tiên tiến có thể giảm đáng kể rào cản ngôn ngữ thông qua:
- Dịch máy bằng mạng nơ-ron nhân tạo theo thời gian thực: Sử dụng các mô hình học sâu, các hệ thống này có thể cung cấp bản dịch gần như tức thời, có nhận thức về ngữ cảnh giữa tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác. Công nghệ này có thể được tích hợp vào các ứng dụng di động, thiết bị đeo thông minh và thậm chí là kính thực tế tăng cường (AR), cho phép giao tiếp liền mạch trong nhiều bối cảnh khác nhau.
- Dịch đa phương thức: Các hệ thống AI kết hợp đầu vào hình ảnh và âm thanh có thể dịch không chỉ ngôn ngữ nói mà còn cả văn bản trên biển báo, thực đơn và tài liệu. Điều này giúp khách du lịch điều hướng và hiểu môi trường xung quanh hiệu quả hơn.
- Phát hiện sắc thái văn hóa: Các mô hình AI tiên tiến có thể được đào tạo để nhận dạng và giải thích các sắc thái văn hóa trong ngôn ngữ, giúp khách du lịch hiểu được ý nghĩa tinh tế, thành ngữ và cách diễn đạt phụ thuộc vào ngữ cảnh, vốn rất quan trọng để có sự gắn kết văn hóa sâu sắc hơn.
Một số công cụ AI này hiện đang được phát triển tại Việt Nam. Ví dụ, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển công nghệ dịch máy tiên tiến dựa trên AI, có thể dịch hai chiều từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Lào, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Malaysia, tiếng Indonesia cũng như tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam đã đào tạo thành công mô hình AI để nhận dạng ngay cả những khác biệt tinh tế nhất trong tiếng Việt, có tiềm năng lớn để ứng dụng trong ngành du lịch.
2. Điều hướng văn hóa phức tạp với trợ lý trí tuệ văn hóa được cá nhân hóa
Nghiên cứu gần đây được tiến hành tại tỉnh Bình Thuận cho thấy tiếp xúc văn hóa tác động trực tiếp đến cả sự hài lòng và ý định quay lại của khách quốc tế. Văn hóa Việt Nam phức tạp và đôi khi gây bối rối cho nhiều du khách nước ngoài. Du khách có thể gặp khó khăn khi tiếp xúc với các chuẩn mực xã hội, nghi thức và sắc thái văn hóa địa phương, khiến họ có thể rơi vào các tình huống hiểu lầm hoặc bỏ lỡ cơ hội tương tác sâu hơn.
Những ứng dụng trợ lý số dựa trên AI có thể đóng vai trò hướng dẫn viên văn hóa, cung cấp thông tin chi tiết và khuyến nghị được cá nhân hóa cho du khách nhờ:
- Thuật toán học tập thích ứng: Những trợ lý này có thể học hỏi từ các tương tác và sở thích của người dùng, cung cấp thông tin và lời khuyên về văn hóa ngày càng phù hợp theo thời gian.
- Nhận thức theo ngữ cảnh: Bằng cách tích hợp dữ liệu GPS, thời gian biểu và cập nhật sự kiện theo thời gian thực, những trợ lý AI này có thể cung cấp hiểu biết văn hóa kịp thời và phù hợp với từng địa điểm cụ thể, qua đó nâng cao hiểu biết và sự trân trọng của du khách đối với địa điểm xung quanh.
- Cố vấn văn hóa ảo: Bằng cách xử lý và tạo sinh ngôn ngữ tự nhiên, các hệ thống AI này có thể tham gia đối thoại về văn hóa, lịch sử và phong tục của Việt Nam, mang đến trải nghiệm trau dồi kiến thức tương tác và hấp dẫn hơn.
Trợ lý du lịch AI tạo sinh đã được phát triển tại Việt Nam. Ví dụ, tại thành phố Cần Thơ, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý đã phát triển và triển khai một trang web và ứng dụng dựa trên AI để cung cấp khuyến nghị cho khách du lịch kể từ năm 2019. Hệ thống này đưa ra các gợi ý về điểm tham quan, chỗ ở và hoạt động dựa trên sở thích của người dùng.
3. Nâng cao chất lượng nhân viên khách sạn thông qua đào tạo với AI
Các nghiên cứu gần đây cho thấy trong khi có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp các chương trình du lịch và khách sạn tại Việt Nam hằng năm, ngành này cần tối thiểu 40.000 nhân viên mới mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Sự thiếu hụt này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính đồng đều của dịch vụ, vốn là những yếu tố quan trọng để tạo ra những trải nghiệm du lịch đáng nhớ, từ đó khuyến khích du khách quay lại.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, AI có thể cách mạng hóa các chương trình đào tạo nhân viên du lịch và khách sạn với:
- Lộ trình học tập được cá nhân hóa: Thuật toán AI có thể phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng nhân viên, tạo ra các chương trình đào tạo phù hợp tập trung vào các lĩnh vực cần cải thiện, đặc biệt là trong giao tiếp và hiểu biết liên văn hóa.
- Mô phỏng thực tế ảo (VR): Các kịch bản VR hỗ trợ AI có thể cung cấp trải nghiệm đào tạo nhập vai, cho phép nhân viên thực hành xử lý các tình huống văn hóa đa dạng và cải thiện năng lực liên văn hóa của họ.
- Đánh giá và phản hồi liên tục: Hệ thống AI có thể theo dõi tương tác giữa nhân viên và khách, cung cấp phản hồi theo thời gian thực và đề xuất cải tiến, nhằm đảm bảo dịch vụ chất lượng cao nhất quán trong toàn ngành.
4. Đem đến trải nghiệm văn hóa được cá nhân hóa thông qua phân tích dự đoán
Các nghiên cứu viên Đại học RMIT tại Việt Nam và Australia gần đây đã nhận được tài trợ để phát triển các trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm du lịch dọc theo kênh Tẻ ở TP. Hồ Chí Minh. Những sáng kiến này bao gồm các tour đi bộ có hướng dẫn do AI hỗ trợ dọc theo bờ kênh ở Quận 4 và Quận 7.
Đây chỉ là một ví dụ về cách AI có thể giúp tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và giàu bản sắc văn hóa hơn. Ngoài ra, dữ liệu lớn và máy học có thể được sử dụng để:
- Đề xuất trải nghiệm linh hoạt: Các hệ thống AI có thể liên tục cập nhật các đề xuất dựa trên dữ liệu thời gian thực, chẳng hạn như điều kiện thời tiết, sự kiện địa phương và mức độ đông đúc, đảm bảo du khách luôn có thể truy cập vào các trải nghiệm văn hóa tối ưu.
- Phân tích phản hồi để cải tiến liên tục: Bằng cách phân tích các đánh giá trực tuyến, bài đăng trên mạng xã hội và phản hồi trực tiếp, AI có thể giúp xác định dư địa để nâng cao trải nghiệm văn hóa, đem đến các lựa chọn mới và cải tiến nhanh chóng dịch vụ du lịch.
- Xác định sở thích: Bằng cách phân tích lượng lớn dữ liệu người dùng, AI có thể xác định những đặc điểm chính trong sở thích của du khách, cho phép tạo ra các lộ trình được cá nhân hóa cao, phù hợp với mối quan tâm văn hóa và phong cách tiếp nhận kiến thức của từng cá nhân.
Việc tích hợp công nghệ AI vào ngành du lịch của Việt Nam không chỉ đơn thuần giải quyết các thách thức hiện tại, mà còn đưa Việt Nam lên vị trí tiên phong trong đổi mới du lịch Đông Nam Á. Cách tiếp cận sử dụng công nghệ tiên tiến như vậy có thể đưa Việt Nam từ nơi chỉ đến một lần trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới mà du khách sẽ quay lại nhiều lần.