Kinh tế địa phương

Thái Bình: Dồn lực thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp

Hải Ngân 10/10/2024 16:26

Nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải ưu tiên mọi nguồn lực, sớm hoàn thành hạ tầng để đón các nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án tại Thái Bình.

Đó là nội dung được đưa ra trong cuộc kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Cầu Nghìn và KCN Thaco - Thái Bình tại huyện Quỳnh Phụ của lãnh đạo tỉnh Thái Bình mới đây.

28.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tại nhà máy xử lý nước thải tại KCN Cầu Nghìn

Theo đó, tại KCN Cầu Nghìn, đây là dự án do Tổng Công ty IDICO - CTCP là nhà đầu tư hạ tầng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn với tổng diện tích trên 151ha. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 44ha, bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp. Giai đoạn 2 của dự án có tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng trên 107ha, đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 80ha, còn 27 ha đang tiến hành giải phóng mặt bằng.

Theo Tổng Công ty IDICO – CTCP, hiện nhà đầu tư hạ tầng KCN đang tiến hành san lấp mặt bằng và thi công hạ tầng giao thông, điện, cây xanh, nước sạch, hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Đồng thời, tiến hành các hoạt động xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào Khu Công nghiệp.

Tại cuộc kiểm tra dự án KCN Cầu Nghìn, ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đều đánh giá cao công tác giải phóng mặt bằng của huyện Quỳnh Phụ và quyết tâm đầu tư phát triển KCN Cầu Nghìn của Tổng Công ty IDICO – CTCP. Đồng thời, đánh giá cao sự chủ động của nhà đầu tư trong việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 5.200m³/ngày đêm tại đây, đáp ứng các tiêu chí thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh, KCN Cầu Nghìn có vị trí rất đắc địa, một trong những cửa ngõ quan trọng của tỉnh, tiếp giáp gần nhất với các sân bay, cảng biển, thuận lợi giao thông kết nối vùng... Do vậy, nhà đầu tư phải ưu tiên mọi nguồn lực để sớm hoàn thành đầu tư đồng bộ hạ tầng. Trong hoạt động thu hút đầu tư, nhà đầu tư phải lựa chọn ngành, lĩnh vực công nghệ cao, nhà đầu tư thứ cấp có tiềm năng, chất lượng, suất đầu tư lớn và tạo ra giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, nhà đầu tư thứ cấp phải có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường, góp phần nâng cao giá trị uy tín, hình ảnh của KCN và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Còn tại dự án KCN Thaco - Thái Bình, theo Công ty TNHH Đầu tư KCN chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình (Chủ đầu tư dự án), dự án KCN Thaco - Thái Bình có quy mô hơn 194ha thuộc các xã An Thái, An Ninh, An Cầu. Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 96% tổng diện tích. Hiện nhà đầu tư đang tiến hành thi công giao thông, hệ thống thoát nước mặt nội khu và tiến hành san lấp mặt bằng.

27.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ triển khai dự án KCN Thaco - Thái Bình do Công ty TNHH Đầu tư KCN chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình làm chủ đầu tư

Tại dự án này, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề nghị huyện Quỳnh Phụ khẩn trương giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại để bàn giao nhà đầu tư, tiếp tục phát huy kinh nghiệm, tập trung nghiên cứu triển khai tháo gỡ vướng mắc, giải phóng dứt điểm diện tích còn lại để bàn giao cho nhà đầu tư và hoàn thiện hệ thống điện trong khu vực dự án thuộc trách nhiệm của nhà nước đầu tư. Việc đầu tư hạ tầng cần đặc biệt quan tâm đến công tác chống úng, ngập cho KCN và khu vực xung quanh dự án khi có thiên tai. Cùng với đó, quá trình triển khai dự án phải quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Được biết, trong quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tỉnh Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng.

Tỉnh Thái Bình cũng quy hoạch ưu tiên phát triển các KCN - đô thị - dịch vụ, KCN phía Bắc và các KCN khác trong Khu kinh tế (KKT) Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành các KCN - đô thị - dịch vụ công nghệ cao.

Hiện địa phương này có hệ thống KCN, cụm công nghiệp (CCN) phát triển đều khắp trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả hệ thống giao thông kết nối và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp tại địa phương này cũng còn rất lớn. Đặc biệt, KKT Thái Bình với diện tích khoảng 30.583 ha, trong đó có hơn 8.000 ha đất dành cho phát triển công nghiệp. Tại đây, đã thành lập 10 KCN, trong đó có 4 KCN thuộc KKT Thái Bình, 49 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 3.000 ha, đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Việc tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, chú trọng quản lý môi trường, quy hoạch sẽ góp phần đưa tỉnh Thái Bình sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, với hàng loạt KCN được thành lập, tỉnh Thái Bình là nơi hội tụ của rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ lớn mạnh và đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Ngân