Công an tỉnh Thái Nguyên: Gỡ “vướng” cho công tác PCCC
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gỡ vướng về PCCC, Công an tỉnh Thái Nguyên đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo Công an tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện có 18.801 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang hoạt động, sản xuất. Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng với nhiều ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao, cần được đảm bảo tối đa về PCCC.
Thượng tá Trần Trung Nguyên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua đánh giá của Công an tỉnh, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công tác PCCC, coi công tác PCCC trong doanh nghiệp là “tự bảo vệ mình”, mang ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất và xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng tại chỗ; chủ động thành lập và duy trì đội PCCC cơ sở một cách hiệu quả thông qua các đợt phối hợp tổ chức huấn luyện, tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội viên và cán bộ, công nhân viên; chủ động đầu tư trang thiết bị, phương tiện cơ bản đáp ứng được những yêu cầu an toàn về PCCC. Nhờ đó, công tác PCCC tại các doanh nghiệp ngày càng được bảo đảm.
Tuy nhiên, qua thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC, Công an tỉnh nhận thấy còn tồn tại 2 nhóm khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp cần được giải quyết. Đó là, nhóm các cơ sở gặp khó trong việc khắc phục những tồn tại, vi phạm đã được lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ ra, tạm đình chỉ hoạt động và Nhóm các cơ sở gặp khó trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
Nguyên nhân chủ yếu do quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam về PCCC được ban hành bởi nhiều Bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn sau khi ban hành có những quy định mới với thời gian chuyển tiếp ngắn, nội dung còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng. Một số dự án, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đã hoàn thành thi công nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC nên chưa đủ điều kiện để cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC và đi vào hoạt động.
Nhằm tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Công an tỉnh đã tăng cường công tác trao đổi, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tạo mọi điều kiện tốt nhất theo phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển” để tránh việc phát sinh thêm cơ sở gặp khó khăn, vướng mắc cũng như phải sử dụng các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động.
Phòng đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh thành lập 02 tổ công tác trực tiếp làm việc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tháo để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC để từ đó tư vấn, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ, khắc phục với phương châm vừa đảm bảo an toàn PCCC vừa phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Đến nay, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 11 buổi làm việc với 222 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để giải đáp, tháo gỡ; qua đó đưa ra các giải pháp để các cơ sở khắc phục, đảm bảo theo quy định của pháp luật về PCCC.
Cùng với đó, Công an tỉnh phát huy tối đa vai trò của lực lượng cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại chỗ, tránh nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra. Theo đó, Công an tỉnh đã thành lập Tổ công tác đến trực tiếp cơ sở để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC; chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH bố trí tổ chuyên môn để hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục hành chính, hồ sơ kỹ thuật để giúp các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, thuận tiện các thủ tục về PCCC theo quy định. Các thủ tục hành chính cũng được thực hiện 100% trên dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, rút ngắn tối đa, giúp tiết kiệm chi phí thời gian, tài chính cho doanh nghiệp.
“Sau khi doanh nghiệp hoàn thiện xây dựng, đi vào hoạt động, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH hỗ trợ huấn luyện, tập huấn cho lực lượng PCCC tại chỗ của doanh nghiệp; hướng dẫn cơ sở thường xuyên tự kiểm tra, hướng dẫn duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC trong suốt quá trình hoạt động”, Thượng tá Trần Trung Nguyên cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc công ty Nhiệt điện Cao Ngạn TKV cho biết, để đảm bảo công tác PCCC tại doanh nghiệp được tối ưu nhất, lãnh đạo công ty thường xuyên kiểm tra, đôn đốc lực lượng PCCC tại chỗ nâng cao ý thức, trách nhiệm, đảo bảo thường trực 24/7 đề phòng rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt, công ty luôn có quy chế phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH của Công an tỉnh trong việc đào tạo, tập huấn những kỹ năng PCCC cho lực lượng tại chỗ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Trung, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế do do lực lượng PCCC tại doanh nghiệp không phải lực lượng chuyên nghiệp, cần nhiều thời gian đào tạo. Trong khi đó, đối với các quy định mới về PCCC, doanh nghiệp cần có thời gian cập nhật kiến thức cũng như đầu tư, thay thế trang thiết bị, mà các thiết bị PCCC kinh phí tương đối cao, chi phí bảo dưỡng lớn.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Giám đốc Nhà máy thép Trường Sơn – Chi nhánh công ty TNHH Minh Bạch thì cho rằng, đặc thù của nhà máy thép Trường Sơn là sản xuất các sản phẩm không dễ cháy (gang thép), thậm chí phải nung đốt thì mới cháy được, trong khi các quy định, quy chuẩn về PCCC nói chung đều áp dụng giống nhau đối với tất cả loại hình doanh nghiệp. Do đó, bà Hương kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Đại diện công ty TNHH KET VINA (doanh nghiệp vốn đầu tư Hàn Quốc) tại KCN Điềm Thụy cho biết, môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng luôn thông thoáng cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và quyết định đầu tư những năm gần đây. Đối với tỉnh Thái Nguyên, doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cán bộ, công chức của các ban, ngành, đặc biệt của lực lượng Cảnh sát PCCC. Đầu tư từ năm 2018, ban đầu doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn do chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về PCCC, tuy nhiên, sau khi được lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn, doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phương tiện về PCCC và từ đó luôn thực hiện tốt các quy định về PCCC theo pháp luật Việt Nam.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, để đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt tại các cơ sở trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện đẩy đủ các điều kiện an toàn PCCC được quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; làm tốt công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn và công tác chuẩn bị cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Các doanh nghiệp chỉ được phép đi vào hoạt động sản xuất khi nhà máy, xưởng sản xuất được nghiệm thu về PCCC và cơ sở chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH.
“Sẽ là không hiệu quả nếu như công tác đảm bảo an toàn PCCC trong các khu công nghiệp chỉ do lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC trong các khu công nghiệp, phát triển bền vững, giữ vững an ninh trật tự vệ tốt môi trường, ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực của mọi thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển công nghiệp cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trong công tác PCCC, đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương phát triển bền vững”, Thượng tá Trần Trung Nguyên – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhấn mạnh.