Nghiên cứu - Trao đổi

Có nên ban hành ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh?

Khôi Nguyên 11/10/2024 11:05

Việc nghiên cứu ban hành ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh vẫn có những quan điểm trái chiều…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Tổng cục Thuế vừa có thông tin làm rõ vấn đề về quy định “tạm hoãn xuất cảnh” của một bộ phận doanh nghiệp và người nộp thuế. Theo đó, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế cho biết sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và các quy định liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, một trong những giải pháp được Tổng cục Thuế đưa ra là sẽ tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

co-nen-ban-hanh-nguong-no-thue-tam-hoan-xuat-canh-1.jpeg
Tổng cục Thuế cho biết sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và các quy định liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh hoạ

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, cần sớm đưa ra ngưỡng nợ thuế bao nhiêu mới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Mặc dù đây là biện pháp giúp cơ quan thuế xử lý được nợ đọng trong thời gian qua nhưng khi áp dụng luật một cách đại trà cũng chưa đúng.

Theo phân tích của ông Tú, Điều 124 Luật Quản lý thuế quy định: "Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh". Ở đây có dùng từ "có thể" nên cũng cần quy định rõ là lúc nào thì áp dụng, lúc nào không. Ngưỡng nợ thuế bao nhiêu thì cơ quan thuế có thống kê và quy định. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể áp dụng tạm hoãn xuất cảnh như doanh nghiệp mua bán hóa đơn; doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày và bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh; nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thực hiện thu được… "Quan trọng nhất là người nộp thuế phải tiếp nhận được công văn mà cơ quan thuế chuyển cho an ninh cửa khẩu về việc tạm hoãn xuất cảnh", ông Tú nói.

Đồng quan điểm, chia sẻ trên tờ Dân Việt, PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần thực hiện các thống kê nhằm phân loại trung bình nợ, đặc thù nợ của doanh nghiệp. Ngưỡng này không nên quá nhỏ vì cần đủ tính răn đe, không khiến chi phí hành chính quản lý phát sinh lớn, và không tạo ra số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.

"Giá trị nợ thuế vài triệu, thậm chí là vài chục triệu cũng không đáng. Thứ hai, có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài, ngược lại doanh nghiệp khác nợ ít (và vì lý do khách quan) nhưng hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu nên thường xuyên phải xuất cảnh. Do đó nếu chỉ áp dụng một ngưỡng sẽ khó cân bằng. Vì vậy, nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng (khung) tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế. Ngưỡng thấp hơn sẽ áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp nào, ngưỡng cao hơn áp dụng cho nhóm nào", ông Cường chia sẻ.

co-nen-ban-hanh-nguong-no-thue-tam-hoan-xuat-canh-2.jpg
Một trong những giải pháp được Tổng cục Thuế đưa ra là sẽ tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lại cho rằng, Luật Thuế đã quy định thì mọi người phải tuân thủ, dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ.

“Đây là biện pháp mạnh mẽ để tăng cường thu hồi nợ thuế. Thực ra với mức nợ thuế khoảng 1 triệu đồng, không có gì khó khăn để nộp cả. Việc các lãnh đạo doanh nghiệp không nộp dẫn đến bị cấm xuất cảnh chủ yếu do chủ quan, chây ì”, ông Thịnh nói và nhấn mạnh đây là vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật chứ không phải do doanh nghiệp khó khăn.

Theo ông Thịnh, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. “Thậm chí trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng đề nghị cấm xuất cảnh”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Khôi Nguyên