Doanh nghiệp

Điều kiện kinh doanh suy giảm ảnh hưởng đến “sức khoẻ” doanh nghiệp

Hạnh Lê 11/10/2024 02:35

Một số chỉ số sản xuất có xu hướng giảm báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào cuối quý 3, có thể ảnh hưởng đến “sức khoẻ” doanh nghiệp.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam cho thấy, trong tháng 9 chỉ số PMI đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào thời điểm cuối quý 3, sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh.

DN SX
Không ít doanh nghiệp sản xuất phải chịu tác động trong giai đoạn trước mắt khi một số điều kiện kinh doanh suy giảm (ảnh minh hoạ)

Trong đó, lưu ý một số chỉ số như sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm đáng kể; tồn kho hàng hóa đầu vào giảm với mức gần kỷ lục do ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ ở các dây truyền sản xuất và chuỗi cung ứng. Do đó, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm.

Ở khía cạnh khác, tuy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp trên bình diện chung được đánh giá là tích cực nhưng chưa bền vững. Tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp cần tiếp tục được củng cố để tăng khả năng cạnh tranh, sức chống chịu để phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng qua là hơn 121,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng qua đạt 2.310.525 tỷ đồng (giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước). Quy mô vốn đăng ký bình quân/một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 9 tháng đầu năm trong 5 năm 2019-2023 (12 tỷ đồng).

Đáng chú ý, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 112.888 doanh nghiệp (chiếm 92,6%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023). Số doanh nghiệp này chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ (chiếm 75,8%), công nghiệp và xây dựng (chiếm 23,2%). Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.204 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 1%) và giảm 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

pic 1
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng qua của một số địa phương (nguồn: Tổng cục Thống kê)

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 9 tháng đạt hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp; trung bình mỗi tháng có gần 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong khi con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800, tăng 21,5% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đối mặt trước những tác động từ rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh…, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước.

Cụ thể, thứ nhất, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước bằng các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, duy trì lãi suất thấp cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ.

Thứ ba, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các FTA đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, thị trường sản phẩm Halal…

Hạnh Lê