Tâm điểm

Sứ mệnh định hình thương hiệu quốc gia

TS Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 11/10/2024 14:00

Việt Nam chỉ có thể đáp ứng các tiêu chí kinh tế để được công nhận là nước phát triển khi có được lực lượng doanh nghiệp đông đảo.

Trong đó có những doanh nghiệp lớn, đảm nhiệm vai trò định hình thương hiệu quốc gia.

sumenh.png
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ, chúc mừng đại diện giới doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam vào chiều ngày 11/10.

Với những thành tựu nhất định sau gần bốn thập kỷ chủ động đổi mới và tích cực hội nhập quốc tế, trở thành thành viên của nhóm các nước phát triển trên thế giới hẳn nhiên là mong đợi, khát vọng của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam hiện nay. Trong số các tiêu chí để được công nhận là quốc gia phát triển, các điều kiện vật chất, cụ thể nhất là thu nhập và mức sống của người dân, sẽ được xem xét đầu tiên. Theo đó, Việt Nam sẽ phải đứng trước thách thức gia tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 12.500 USD/năm trong hơn hai thập kỷ sắp tới.

Để gia tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân thì lại phụ thuộc vào quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế. Với bất cứ nền kinh tế nào thì số lượng, quy mô, năng lực, giá trị của các doanh nghiệp, sản phẩm của các điều kiện chính trị, thể chế, và chính sách, sẽ được quan tâm đầu tiên khi đánh giá trình độ phát triển kinh tế.

Lực lượng nòng cốt

Bài học thành công từ tất cả các nước phát triển trên thế giới là để quốc gia có thể tích lũy được nội lực và phát triển bền vững thì phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, có khả năng sản xuất, kinh doanh và sáng tạo với những sản phẩm tạo nên thương hiệu quốc gia. Cũng có nghĩa, để tiến đến quốc gia thịnh vượng thì chúng ta không thể bị động, trông chờ vào các doanh nghiệp FDI, mà phải phát triển được những doanh nghiệp của người Việt Nam, hoạt động với ý thức và tâm thế tự cường dân tộc.

Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98%. Bên cạnh đó là khoảng 14.400 hợp tác xã và 5 triệu đơn vị kinh doanh dưới dạng hộ gia đình. Đáng chú ý, bên cạnh các doanh nghiệp Nhà nước, một trong những thành tựu rõ rệt nhất của tiến trình đổi mới ở nước ta là sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước không chỉ góp phần giúp nền kinh tế nước ta vận hành theo đúng quy luật phát triển, mà còn ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của đất nước. Hiện tại, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp đến 45% GDP, khoảng 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho người lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu.

Cũng nhờ tiến trình đổi mới, chưa khi nào vị thế và vai trò của đội ngũ doanh nhân được thừa nhận và ghi nhận xứng đáng như hiện nay. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ban hành tháng 10 năm 2023, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2024, thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, gặp gỡ và đối thoại với các doanh nhân Việt Nam. Những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong nước với tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt là mỗi khi đất nước gặp khó khăn như đại dịch Covid-19 hay thiên tai vừa qua, đã được Thủ tướng khẳng định.

Cạnh tranh bình đẳng

Trong nền kinh tế hiện đại, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng là một trong những điều kiện then chốt nhất để tạo động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Điều này không chỉ đã được khẳng định về chủ trương trong Nghị quyết số 41-NQ/TW mà còn thường xuyên được lãnh đạo chính phủ quán triệt tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại với các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Theo đó, lãnh đạo chính phủ luôn nhất quán quan điểm sẵn sàng lắng nghe để tìm cách hành động nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp phát triển. Một thông điệp rõ ràng, toát lên từ những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng chính phù trong thời gian gần đây là đất nước sẽ không thể thịnh vượng nếu các doanh nghiệp trong nước cứ mãi luẩn quẩn, không thể lớn mạnh.

Xét bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay thì nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước có nhiều điểm yếu so với các doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI. Những bất lợi về vốn, trình độ công nghệ, lĩnh vực hoạt động… ảnh hưởng đến quy mô, giá trị, và tầm vóc của doanh nghiệp, dễ khiến doanh nghiệp tư nhân trong nước đứng trước nguy cơ bị đối xử bất bình đẳng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển.

Cũng có nghĩa, kiến tạo các điều kiện thể chế chặt chẽ là định hướng giải pháp chiến lược nhằm từng bước bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoàn thiện thể chế và để thể chế có thể phát huy được tác dụng với nền kinh tế là một tiến trình lâu dài, cần sự kiên trì và nỗ lực liên tục.

Trong khi đó, hệ thống chính sách có thể nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhóm yếu thế lớn mạnh và đủ nội lực để có thể tự cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Điều này đặt ra nhu cầu về những chính sách “nuôi dưỡng” doanh nghiệp dân tộc, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, một lực lượng đóng góp vai trò quyết định với khả năng thịnh vượng bền vững của quốc gia, dân tộc.

TS Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh