Ô tô - Xe máy

Người đưa Thaco trở thành công xưởng ô tô Đông Nam Á

TRẦN THỦY 13/10/2024 00:04

Thaco đã vươn lên trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 3 của Việt Nam. Với doanh nhân Trần Bá Dương, thì khát vọng còn lớn hơn nữa.

Doanh Nhân Trần Bá Dương:

"Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì, tích lũy từng bước một để bước vào đời là cách khởi nghiệp thành công".

tran ba duong
Doanh nhân Trần Bá Dương.

Trải qua hơn 2 thập kỷ phát triển, Công ty CP tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã trở thành tổ hợp sản xuất ô tô hàng đầu tại Việt Nam.

Khẳng định năng lực

Thaco là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, sản xuất lắp ráp cho nhiều thương hiệu ô tô quốc tế như: KIA (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức), MercedesBenz (Đức), Iveco (Ý), Mitsubishi (Nhật). Hiện Thaco là doanh nghiệp ô tô có đầy đủ chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng, từ xe du lịch, đến xe tải, xe bus, xe chuyên dụng.

Doanh nhân Trần Bá Dương là người đặt nền móng và đưa Thaco phát triển đến ngày hôm nay. Báo cáo tài chính của Thaco năm 2023 cho thấy, tổng tài sản là 170.539 tỷ đồng, tăng hơn 11,5% so với cuối năm 2022 và vươn lên trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 3 của Việt Nam, xếp sau Vingroup (tổng tài sản 669.617 tỷ đồng) và Hòa Phát (tổng tài sản 187.783 tỷ đồng).

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy Mazda, Chu Lai, Quảng Nam.
Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy Mazda, Chu Lai, Quảng Nam.

Khởi nghiệp từ kinh doanh ô tô, dù đã mở rộng sang những lĩnh vực khác nhưng đến nay ô tô và linh kiện phụ tùng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sản phẩm của Thaco. Trong lĩnh vực ô tô, Thaco có một tổ hợp với gần 20 thành viên, gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp xe và phụ tùng, các trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm cơ khí chế tạo, trung tâm thử nghiệm… Hàng năm Thaco xuất xưởng gần 100.000 ô tô các loại, với tỷ lệ nội địa hóa xe du lịch từ 23- 40%, xe thương mại từ 45-65%.
Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, một số sản phẩm ô tô nguyên chiếc của Thaco đã xuất khẩu sang các nước Asean, đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (RVC), được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Về phụ tùng, Thaco không chỉ sản xuất để lắp ráp cho các dòng xe của mình mà còn bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như: Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu… đem về doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm. Cùng với đó là xuất khẩu với doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Kết quả này đã chứng minh năng lực sản xuất của Thaco, hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong ngành ô tô và đặc biệt là của các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới.

Khát vọng lớn

Ông Trần Bá Dương cho biết, trong năm 2024 Thaco đầu tư vào 7 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô và sẽ tăng thêm 3 nhà máy nữa trong năm sau. Để sản xuất các sản phẩm như: kính xe ô tô du lịch cao cấp, linh kiện khung và thân vỏ ô tô, nội thất ô tô du lịch... Cùng với đó là đưa vào hoạt động trung tâm nghiên cứu phát triển Thaco Industries quy mô lớn, với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển về công nghệ trong sản xuất lắp ráp ô tô.

xe4.jpg
Dây chuyền lắp ráp ô tô Tải tại của Tập đoàn Trường Hải tại Chu Lai, Quảng Nam.


Mục tiêu của Thaco là không ngừng thúc đẩy tăng sản lượng ô tô sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao. Thaco đã lên kế hoạch đưa tỷ lệ nội địa hóa các mẫu xe du lịch lên 45%, với những linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn. Qua đó, sẽ giảm giá thành và gia tăng năng lực cạnh tranh.
Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe/năm vào 2023 và tăng trưởng khoảng 15-18% mỗi năm, đến 2045 sẽ đạt khoảng 5 triệu xe/năm. Đây là cơ hội lớn để ngành công nghiệp ô tô vươn lên.
Với doanh nhân Trần Bá Dương, thì khát vọng còn lớn hơn nữa. Không chỉ chuẩn bị để nắm bắt cơ hội trong nước mà còn vươn ra thế giới.
“Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch đưa Thaco trở thành công xưởng ô tô lớn tại Đông Nam Á, thành trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam. Hiện nay các doanh nghiệp FDI đang đưa ô tô qua khu vực miền Nam lắp ráp, xuất sang các nước Đông Nam Á, để hưởng ưu đãi thuế. Tận dụng cơ hội này, chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35 - 40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ sử dụng”, ông Dương chia sẻ.

TRẦN THỦY