Quốc tế

“Bong bóng” AI có đáng lo?

Trương Khắc Trà 13/10/2024 11:00

Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển quá nóng, đã đẩy giá cổ phiếu của nhiều công ty trong lĩnh vực này tăng vọt, sau đó “lao dốc”.

Diễn biến này khiến không ít người nhớ lại giai đoạn “bong bóng” Dotcom đầu thập niên 2000.

ms AI
Nhóm BigTech công nghệ đã đầu tư 500 tỷ USD để phát triển AI, hoàn thiện kế hoạch đầu tư thêm 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới.

Trong khi tốc độ cải tiến của AI đang chậm lại vì chi phí phát triển và vận hành rất tốn kém, hàng loạt mô hình AI mới liên tục xuất hiện nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả cao. Đơn cử như Nvidia, theo ước tính của Sequoia Capital, các công ty khởi nghiệp AI đã đầu tư khoảng 50 tỷ USD vào các chip của Nvidia trong năm 2023, nhưng doanh thu mang lại mới chỉ đạt 3 tỷ USD.

“Mầm mống” tiềm ẩn

Việc “bơm thổi” AI có phần thái quá về tính hiệu quả của nó trong phương thức sản xuất tương lai đã dẫn đến hiện tượng tích tụ, tập trung nguồn lực khổng lồ, trong khi nhu cầu thực tế không đủ giải quyết hết năng lực hiện có.

Hàng loạt công ty lao vào thị trường AI vì sợ bỏ lỡ các ứng dụng mới hữu ích. Riêng nhóm BigTech đã đầu tư 500 tỷ USD, hoàn thiện kế hoạch đầu tư thêm 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Nhưng, các nhà kinh tế bắt đầu hoài nghi, liệu chi phí khổng lồ có đem lại thành quả tương xứng?

Rõ ràng, cảm quan của nhà đầu tư đã đúng, không lâu sau đạt mức đỉnh cao lịch sử tại mức 136,33 USD/cp vào ngày 18/6/2024, giá cổ phiếu của Nvidia đã giảm hơn 22%. Đỉnh điểm trong 1 ngày, cổ phiếu Nvidia “bốc hơi” 9,5% tương đương với mức giảm 279 tỷ USD về giá trị thị trường, mức lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ. Theo đó, tài sản của CEO Nvidia, ông Jensen Huang đã giảm khoảng 10 tỷ USD.

nvidia.jpg
Cổ phiếu của Nvidia đã giảm mạnh sau khi tăng phi mã, khiến nhiều người lo ngại bong bóng AI sắp vỡ.

Sự cường điệu vẫn là đặc điểm quyết định của các cuộc thảo luận về tương lai của AI ngày nay, phần lớn xuất phát từ các công ty AI như OpenAI và các nhà đầu tư khổng lồ như Microsoft và Google.

Tầm nhìn về một thế giới được tái tạo bằng công nghệ có vẻ kỳ diệu này đã thu hút các khoản đầu tư được đo bằng hàng trăm tỷ USD. Chẳng hạn như Sam Altman, ông chủ của OpenAI, bắt đầu nói về việc huy động 7 nghìn tỷ USD từ các quốc gia dầu mỏ Trung Đông để tạo ra một cuộc cách mạng AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát). Tuy nhiên, nếu tất cả tan biến trong chớp mắt vì tầm nhìn đã được chứng minh là mơ hồ, thì đó sẽ không phải là điều ngạc nhiên.

Đối với bong bóng đầu tư, thường trải qua năm giai đoạn là: dịch chuyển, bùng nổ, hưng phấn, chốt lời và hoảng loạn. Ngành công nghiệp AI có thể đang ở cuối giai đoạn thứ 3. Sự thận trọng đã bị bỏ qua và các công ty đang đánh cược số tiền khổng lồ vào AI.

Nhà kinh tế học Daron Acemoglu của MIT dự báo rằng AI sẽ chỉ tạo ra mức tăng khoảng 0,5% về năng suất của Mỹ và mức tăng khoảng 1% về tổng sản phẩm quốc nội trong 10 năm tới. Đây chỉ là một phần nhỏ so với các dự báo kinh tế tiêu chuẩn.

Cơ hội cho các nước đi sau?

AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng nếu không được ứng dụng hiệu quả để tạo ra lợi nhuận tương xứng, cuộc đua AI có nguy cơ trở thành “bong bóng” có nguy vỡ tung trong tương lai.

Để hạn chế rủi ro khi bong bóng AI vỡ, ông James Ferguson, nhà sáng lập MacroStrategy Partnership khuyến nghị các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh tập trung vào cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn của Mỹ. Thay vào đó, nên tìm kiếm cơ hội trong các chỉ số chứng khoán vốn hóa nhỏ và thị trường mới nổi, đồng thời xem xét các loại tài sản thay thế như tác phẩm nghệ thuật, xe cổ,...

Thuận theo quy luật, nếu “bong bóng” AI vỡ, phản ánh đúng với thực tế của tiến trình chuyển đổi phương thức sản xuất, như đã từng xảy ra với “dotcom”, “hội chứng hoa Tulip”, “bong bóng South Sea”, “quả bom nhà đất Florida”,…

Các cuộc khủng hoảng lấy đi nguồn lực từ nơi giàu có, sau đó tái phân phối đồng đều hơn; đồng thời đóng vai trò như điểm dừng đúng lúc giúp các quốc gia bị tụt hậu theo kịp cuộc đua.

Nếu khủng hoảng AI xảy ra, chắc chắn tác động của nó rất lớn, đặc biệt đối với các nước nhận nhiều đầu tư nước ngoài như Việt Nam. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, AI tất yếu sẽ trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo trong vài thập kỷ tới.

Trên thực tế, AI ở Việt Nam đang ở buổi bình minh, sự chậm lại là điều kiện lý tưởng để “mầm khởi nghiệp” trong nước kịp lớn lên; chuẩn bị chu đáo về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính, pháp lý, công nghệ, dữ liệu… để tiếp nhận con sóng này trong tương lai không xa.

Đây còn là đợt sàng lọc rất giá trị để chọn ra những công nghệ nào tối ưu nhất mà Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp áp dụng hỗ trợ quản trị quốc gia, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cũng cần có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng AI và cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý liên quan.

Sau thời kỳ tái cấu trúc vốn, đầu tư quy mô toàn cầu, quốc gia nào chuẩn bị tiềm lực tốt hơn sẽ giành được nhiều thành tựu hơn. Dù tiến trình phát triển AI khúc khuỷu, quanh co, nhưng vẫn đang tiến lên đến đích theo quy luật này.

Trương Khắc Trà